tin tức sự kiện
Sáng 16-9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại huyện Mỹ Đức; thăm, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do ảnh hưởng bão số 3.
Theo báo cáo của huyện Mỹ Đức, tính đến 6h ngày 16-9, mực nước trên sông Đáy tại An Mỹ đạt báo động II; sông Bùi tại Phúc Lâm đạt báo động III, mực nước các hồ chứa trên địa bàn huyện đang ở mức cao; riêng hồ Quan Sơn vượt ngưỡng tràn… Xí nghiệp ĐTPT Thuỷ lợi Mỹ Đức, UBND các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp phối hợp bơm tiêu úng, dọn các vật cản trên các kênh mương đảm bảo thông thoáng dòng chảy để tiêu thoát lũ. Xí nghiệp ĐTPT Thủy lợi Mỹ Đức đã vận hành 8 trạm bơm với 20 tổ máy tổng lưu lượng 90.200 m³/h để tiêu úng. Các cơ quan của huyện phối hợp với các xã, thị trấn tiếp tục xử lý mái thượng lưu vị trí mạch đùn khu vực xảy ra sự cố mạch đùn trên đê Mỹ Hà đoạn thuộc địa bàn xã Hương Sơn; cắt tỉa cây xanh bị đổ, gãy trên các tuyến đường giao thông; khắc phục các công trình bị ảnh hưởng do bão, như: Trạm bơm Phù Lưu Tế, Xuy Xá, Đại Nghĩa, Phúc Lâm, Đốc Tín...; chủ động ứng trực, chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, sẵn sàng thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ" khi có mưa lớn, úng ngập xảy ra; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
Các xã, thị trấn của huyện đã huy động lực lượng trên 6.200 lượt người; 80 ô tô các loại; 19 máy xúc; 2 cưa máy; 20 thuyền; 2 máy bơm; khoảng trên 2.600m³ cát; trên 620m³ đất; trên 71.500 chiếc bao tải; cuốc, xẻng, cọc tre, bạt... để đắp bao tải đất, cát để chống tràn trên các tuyến đê, các trạm bơm; thu hoạch lúa mùa cho nhân dân...Các lực lượng công an, quân đội đóng trên địa bàn cũng đã huy động trên 730 lượt người hỗ trợ nhân dân đắp bao tải cát, thu hoạch lúa mùa tại các xã Hợp Tiến, Hợp Thanh, An Phú, Hương Sơn, Hùng Thiến, An Tiến… được 1.072ha, đạt 15%.
Do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn huyện Mỹ Đức có 85 nhà cấp 4, mái tôn trường học, đình, chùa, trạm y tế… bị tốc mái, 1 ngôi nhà ở xã Tuy Lai bị sập. 3.421 hộ dân thuộc các vùng trũng, ven sông, ngoài đê bị nước ngập vào nhà. Huyện Mỹ Đức đã di dời 1.979 hộ dân thuộc vùng trũng, nhà bị ngập đến nơi an toàn, trong đó: Khoảng 600 hộ với 2.500 khẩu thuộc xã An Phú; 300 hộ, với trên 1.200 nhân khẩu thuộc xã Hợp Tiến; 774 hộ với 3.560 nhân khẩu ở xã Hợp Thanh đã được lực lượng chức năng sơ tán đến nơi an toàn.
Đến nay, vẫn còn 5 trường học trên địa bàn huyện Mỹ Đức, gồm: (Mầm non An Phú A, B, Tiểu học Hợp Tiến B, Mầm non Hợp Tiến B, Tiểu học An Phú) học sinh chưa thể trở lại trường học.
Cùng với việc chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện để ứng phó kịp thời theo phương châm "4 tại chỗ", huyện Mỹ Đức sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc cứu trợ, hỗ trợ cho các hộ dân bị cô lập do ngập; bảo đảm các nhu cầu thiết yếu, như: Nước, lương thực, thực phẩm, chất đốt, đèn thắp sáng cho nhân dân. Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn về điện, đuối nước và thực hiện công tác vệ sinh môi trường sau bão, mưa úng.Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác vệ sinh môi trường sau bão, mưa úng. Huyện uỷ, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện tiếp tục kiểm tra và chỉ đạo kịp thời khi có tình huống xảy ra để đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân.
Huyện tiếp tục chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, công tác vệ sinh môi trường sau bão, mưa úng và công tác phòng, chống sạt lở, mưa, lũ rừng ngang… và các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thành phố; kiểm tra, chủ động ứng phó sự cố đê điều, thuỷ lợi theo phương châm 4 tại chỗ; đảm bảo tuyệt đối tính mạng của người dân; hỗ trợ kịp thời nhu yếu phẩm thiết yếu, không ai bị đói, không có chỗ ở; điều tiết, phân luồng giao thông kịp thời đảm bảo an toàn tại các điểm ngập, úng; Tiếp tục chỉ đạo Nhân dân thu hoạch lúa Mùa chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ Đông 2024-2025…phối hợp, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra và khôi phục sản xuất ổn định đời sống sau mưa, bão, úng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã trực tiếp đi thuyền thị sát tình hình mưa lũ tại khu vực dân cư đang bị ngập sâu do mưa lũ thôn Đồng Chiêm, xã An Phú. Thôn Đồng Chiêm được xem là “rốn lũ” của xã An Phú. Tính đến ngày 12-9, xã đã sơ tán hơn 700 hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm. Mặc dù lượng mưa những ngày gần đây đã giảm dần, nhưng nước lũ rừng ngang đang tràn về đã khiến nhiều hộ dân thôn Đồng Chiêm ngập trong nước lũ, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Mỹ Đức kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm nhằm kịp thời hỗ trợ các hộ dân thôn Đồng Chiêm cũng như nhân dân huyện Mỹ Đức sớm vượt qua những khó khăn, thiệt hại do mưa lũ gây ra. Bên cạnh đó, cần kịp thời sơ tán các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho nhân dân trong bối cảnh mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Mỹ Đức bám sát các chỉ đạo của Trung ương, thành phố về phòng, chống bão lụt, kịp thời ứng phó với mọi tình huống trên tinh thần bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân. Đặc biệt, cần quan tâm, hỗ trợ kịp thời các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế, người già, trẻ em trong thời gian mưa lũ.
Sáng cùng ngày, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng đến xã Hợp Tiến, một trong những xã bị ngập nặng tại Mỹ Đức trao 100 suất quà cho các em thiếu nhi các xã Hợp Tiến, Hợp Thanh và An Phú (huyện Mỹ Đức), những phần quà được trao tặng vào đúng dịp Tết Trung thu góp phần động viên, khích lệ tinh thần, đồng thời mang đến những tình cảm yêu thương cho các em thiếu nhi. Để hỗ trợ nhân dân vùng lũ khắc phục khó khăn, Sở LĐTB&XH Tp đã trao tặng 5 tấn gạo đến với nhân dân xã Hợp Thanh.
Phó Chủ tịch TT UBND huyện Đặng Văn Cảnh và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tp, Phòng LĐTB&XH huyện đã trực tiếp trao tặng 5 tấn gạo đến nhân dân vùng lũ của xã Hợp Thanh./.
Nguyễn Quyền