người tốt việc tốt người tốt việc tốt

Người Cựu chiến binh hơn 20 năm tình nguyện làm “ông bầu” bóng đá
Ngày đăng 17/02/2020 | 08:08

Gặp anh với nụ cười hồn hậu dễ mến, mái tóc bồng dáng dấp người nghệ sĩ dân gian. Tôi không ngờ, con người nhỏ nhắn hiền lành ấy là một “ ông bầu” của bóng đá xã nhà trong 20 năm nay. Phong trào ấy còn đặc biệt ở chỗ: hoàn toàn do người dân tổ chức, các doanh nghiệp địa phương tình nguyện tham gia và ủng hộ. Giải đã trở thành một nét đẹp văn hóa, một giải thể thao truyền thống của quê hương Phùng Xá- Mỹ Đức- Hà Nội, bên dòng sông Đáy thơ mộng, hiền hòa.    

Người lính năm xưa.

Sinh năm 1961, khi chưa đầy 18 tuổi, chiến tranh biên giới nổ ra, Nguyễn Hữu Minh lên đường nhập ngũ. Sau đó, chiến trường tạm yên, anh về Trung đoàn 584 đóng tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình làm nhiệm vụ huyến luyện tân binh. Môi trường quân ngũ đã giúp anh mau chóng trưởng thành. Biết bao mồ hôi của người chiến sĩ nơi thao trường đã quyện vào đất đồi của vùng trung du cây xanh ngút mắt. Cuối năm 1983, sau gần 5 năm trong quân ngũ, với quân hàm Trung sĩ, người lính ấy trở về với đồng ruộng quê hương Phùng Xá, Mỹ Đức, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Một mặt trận mới lại đón anh: mặt trận phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu mạnh. Nhiều năm miệt mài bên khung cửi với nghề dệt khăn truyền thống, cuộc sống chưa khá giả nhưng cũng đủ để trang trải hàng ngày và nuôi con ăn học. Nguyễn Hữu Minh còn là một người thợ xây tận tụy, khéo tay. Hai mươi năm có lẻ, anh và bạn nghề đã góp phần làm đẹp quê hương...

Trở thành “ông bầu” từ niềm đam mê bóng đá.

Nguyễn Hữu Minh tâm sự, mê bóng từ nhỏ, những năm huấn luyện tân binh là thời kỳ anh luôn là cầu thủ của đơn vị. Thời ấy, ở Trung đoàn 584, mỗi đại đội có một đội bóng, thi đấu với các đơn vị bạn và và giao hữu với các địa phương. Với dáng người nhỏ con nhưng cực kỳ nhanh nhẹn, anh đã từng tham gia tất cả các vị trí trên sân, từ thủ môn, hậu vệ, tiền vệ đến tiền đạo. Thần tượng của anh chính là những tuyển thủ đội Thể công- Câu lạc bộ Quân đội một thời vang bóng. Trở về phục viên, ngọn lửa đam mê ấy không tắt mà cứ âm thầm ấp ủ. Nhiều năm, anh cùng thanh thiếu niên xã nhà chiều chiều ra bãi bồi ven sông Đáy đá bóng và hò reo cổ vũ. Đến năm 1998, làng nghề đã mạnh, đời sống nhân dân đã có nhiều cải thiện, nhu cầu thể thao ngày càng lớn, giải bóng đá xã Phùng Xá chính thức ra đời với 7 đội tham gia do Nguyễn Hữu Minh đứng ra tổ chức.

Anh Minh nhớ lại, giải dự định mỗi năm một lần, nhưng có thời kỳ phải gián đoạn trong tiếc nuối. Từ năm 2005 đến năm 2019 giải  diễn ra khá liên tục. Tuy xã chỉ có hai thôn Thượng và Hạ, nhưng năm đông nhất tới 9 đội tuyển tham gia, mỗi đội được đăng ký 20 cầu thủ. Các đội theo thể thức đá vòng tròn một lượt chọn ra 4 đội vào bán kết. Giàu thành tích nhất là đội xóm Đò và đội Trại Thượng. Trung bình mất hơn một tháng giải mới kết thúc với khoảng ba bốn chục trận đấu.

Tôi hỏi anh:

- Là người thợ mà mỗi năm mất hơn một tháng nghỉ việc vì bóng đá, “bà xã” anh có phàn nàn gì không?

Anh Minh cười:

- Có chứ! Lúc đầu, không chỉ vợ tôi mà người thân đều cho là mình “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, lợi lộc chẳng có, mà lỡ xảy ra chuyện gì thì mình là người chịu trách nhiệm lớn nhất. Sau đó, thấu hiểu nỗi đam mê của mình nên bà ấy cũng không ngăn cản mà còn tự hào vì công việc tự nguyện của chồng.

Anh nói thêm: Rất may mắn là đa số người dân nhiệt tình ủng hộ. Bởi đây là một sân chơi lành mạnh, rèn luyện sức khỏe, tăng tình cảm giao lưu giữa người dân trong xã, góp phần giảm tệ nạn xã hội. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân cũng hăng hái tài trợ như Công ty dệt Mỹ Đức, Công ty dệt nhuộm Trường Thịnh...Từ nguồn đóng góp và tài trợ, Ban tổ chức đã thuê tổ trọng tài của Trung tâm thể thao Huyện điều hành các trận, mua cờ, cúp. Số tiền thưởng cho đội vô địch là 2,5 triệu, đội nhì: 1,5 triệu, giải ba 1 triệu đồng và giải phong cách, giải cầu thủ xuất sắc nhất. Đặc biệt, cầu thủ Nguyễn Hữu Cương (vốn là vận động viên đua thuyền của thành phố) đã 9 lần đoạt giải cầu thủ xuất sắc nhất và được tham gia đội tuyển bóng đá của huyện. Không chỉ thi đấu nội bộ giữa các xóm, đội tuyển của xã còn đá giao hữu với các địa phương bạn...

Những tâm tư của “ ông bầu” tình nguyện...

Người cựu chiến binh say sưa nói về những kỷ niệm làm bóng đá phong trào. Theo anh, cái được lớn nhất của thể thao là rèn luyện sức khỏe và nhân cách cho thanh thiếu niên. Xã Phùng Xá, quê hương của những vị nổi tiếng như GS TSKH Đỗ Trung Tá, Đại tá, nhà thơ Đỗ Trung Lai, Trung tướng Đỗ Trung Dương...còn có câu lạc bộ bóng bàn nổi tiếng nhất vùng với bề dày ba mươi năm. Phong trào chơi bóng chuyền da, bóng chuyền hơi và ca múa nhạc cũng khá mạnh. Nhiều cháu sinh viên được nghỉ hè, về địa phương đã tham gia tích cực vào giải bóng đá này. 

Còn một điều mà nhiều người hay hỏi anh về sự quan tâm của lãnh đạo xã nhà. Anh Minh cười:

- Các anh ấy không trực tiếp đứng ra tổ chức, nhưng cũng đều theo dõi sát sao. Năm nào xã cũng phân công Ban công an đảm bảo an ninh trật tự cho giải diễn ra an toàn không bao giờ có cay cú gây bạo lực hoặc cổ động viên quá khích. Theo tôi, lãnh đạo xã đã thực hiện rất đúng phương châm “xã hội hóa” các hoạt động phong trào của địa phương. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của nhân dân cũng chính là thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. 

Nói đoạn, người lính chân thành và giản dị hơi trầm tư:

- Giải bóng đá quê tôi diễn ra vào tháng tám hàng năm và đá chung kết, trao giải vào ngày Quốc khánh 2/9. Tôi chỉ mong giải được duy trì đều đặn hàng năm lâu dài. Rèn luyện sức khỏe cũng là cách thiệt thực làm theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại. Khi nào tôi còn sức khỏe thì còn cố gắng để làm tốt khâu tổ chức một cách tình nguyện và vô tư. Chỉ mong được sự ủng hộ nhiều hơn của cán bộ và nhân dân trong xã cho giải thành công mỹ mãn hơn.

Mùa bóng năm 2019 của anh đã thành công tốt đẹp. Bắt tay anh thật lâu, tôi nghĩ rằng, đó là lời tự đáy lòng anh, một người lính luôn trăn trở, tâm huyết xây dựng quê hương. 

Nguyễn Xuân Hòa, Lê Thanh - Mỹ Đức