Xã Mỹ Đức hiện đang sở hữu nhiều tiềm năng vượt trội như địa hình đa dạng và tài nguyên thiên nhiên phong phú, cùng các di sản văn hóa, lịch sử quý giá. Đặc biệt, vựa sen An Phú đang được phát triển thành điểm nhấn du lịch nông nghiệp, hứa hẹn biến Mỹ Đức thành hình mẫu nông thôn mới kiểu mẫu phía Tây Nam Thủ đô.
Vùng đất hội tụ "thế núi – thế sông – thế đồng – thế bãi"
Mỹ Đức mới sở hữu địa hình phong phú với đầy đủ yếu tố "núi – sông – đồng – bãi" – thế đất được coi là sinh khí tụ hội, mang đến sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Phía Tây và Tây Nam là những dãy núi đá vôi hùng vĩ như núi Thùng Rượu, núi Ông Tướng, núi Hang Thách, núi Tam Sơn… không chỉ tạo nên cảnh quan kỳ vĩ mà còn là điểm tựa tâm linh, góp phần bảo vệ vùng đất khỏi thiên tai.
Dọc địa bàn xã là dòng sông Đáy, sông Mỹ Hà cùng hệ thống kênh mương nội đồng phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản. Sự hòa quyện giữa thế núi và thế sông tạo nên cảnh sắc sơn thủy hữu tình – nền tảng phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
Vùng đồng bằng và bãi bồi ở An Phú, Hợp Thanh, Đại Hưng, Phù Lưu Tế cũng là nơi phát triển nông nghiệp truyền thống, nổi bật với chuyên canh lúa, sen, rau màu. Đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa giúp người dân an tâm sản xuất, đóng góp vào sự ổn định kinh tế nông thôn.
Rối cạn Tế Tiêu và lễ hội Đôi dân Văn Giang - Nam Dương - di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia
Mỹ Đức mới còn là vùng đất gìn giữ nhiều giá trị văn hóa dân gian quý báu, trong đó nổi bật là nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu và lễ hội Đôi dân – hai di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu có nguồn gốc gần 400 năm, gắn liền với đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân. Rối cạn Tế Tiêu mang đậm chất diễn xướng dân gian, với các tích trò cổ như Thạch Sanh – Lý Thông, Chử Đồng Tử… được thể hiện sinh động qua hình thức múa rối kết hợp hát chèo, hát ví, khiến người xem vừa thích thú, vừa lắng đọng trong không gian văn hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, Lễ hội truyền thống hội làng đôi dân Văn Giang - Nam Dương là một lễ hội đặc sắc của hai làng Văn Giang (xã Mỹ Đức) và Nam Dương (xã Hoà Xá ), thu hút đông đảo du khách thập phương về tham dự lễ hội. Lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được tổ chức 3 năm một lần vào các ngày 10, 11, 12 tháng 3 âm lịch. Việc tổ chức lễ hội nhằm kết nối cộng đồng, thắt chặt thêm tình nghĩa anh em giữa hai làng ven sông Đáy, góp phần đề cao giá trị tình làng nghĩa xóm. Thông qua lễ hội nhằm truyền tải thông điệp nhân văn sâu sắc về sự đoàn kết và khát vọng no đủ, an vui. Sự tồn tại và phát triển của những loại hình nghệ thuật và lễ hội này không chỉ góp phần gìn giữ hồn cốt văn hóa địa phương mà còn là tài sản quý giá để phát triển du lịch văn hóa bền vững.
Không gian lễ hội làng – tri ân tiền nhân lập làng, lập ấp
Một trong những nét đặc trưng không thể thiếu trong đời sống văn hóa xã Mỹ Đức mới là hệ thống lễ hội làng truyền thống, được tổ chức tại hầu khắp các thôn, xóm nhằm tưởng nhớ và tri ân các vị thành hoàng làng, những người có công dựng làng, giữ đất, truyền nghề cho dân.
Các lễ hội thường diễn ra chủ yếu vào mùa xuân với nghi thức rước kiệu, tế lễ trang trọng cùng nhiều trò chơi dân gian như kéo co, cờ người, thi nấu cơm, hát quan họ. Tại An Phú còn có thêm nét đẹp văn hoá công chiêng của dân tộc Mường … tạo không khí vui tươi, gắn kết cộng đồng. Đây không chỉ là dịp để con cháu nhớ về cội nguồn mà còn là cơ hội để quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa địa phương đến với du khách trong và ngoài nước.
Sự phong phú của lễ hội làng là minh chứng rõ nét cho chiều sâu văn hóa truyền thống nơi đây – một nguồn tài nguyên văn hóa vô giá, góp phần xây dựng xã hội văn minh, giàu bản sắc.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Nhà lưu niệm Bác Hồ - di tích lịch sử đặc biệt.
Không chỉ là vùng đất trù phú về địa lý và văn hóa, xã Mỹ Đức mới còn là nơi lưu giữ những dấu tích lịch sử gắn liền với các nhân vật kiệt xuất của dân tộc.
Tại xã Hợp Thanh, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được người dân lập nên để tưởng nhớ công lao của vị vua khai sinh triều đại nhà Đinh – người có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn. Ngôi đền không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh mà còn là biểu tượng khơi gợi lòng tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Ngoài ra, tại địa bàn thị trấn Đại Nghĩa (trước đây), nay thuộc xã Mỹ Đức mới có nhà lưu niệm Bác Hồ – nơi ghi dấu chuyến về thăm và nói chuyện của Bác với cán bộ, đảng viên huyện Mỹ Đức về Nghị quyết Trung ương 5 (khóa III) ngày 7/10/ 1961. Đây là một trong những di tích cách mạng có giá trị giáo dục to lớn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với sự phát triển vùng nông thôn miền núi ngoại thành Hà Nội. Nhà lưu niệm đã và đang được gìn giữ, tôn tạo, trở thành địa chỉ đỏ trong hành trình tìm về cội nguồn lịch sử cách mạng.
Vựa sen An Phú – điểm nhấn phát triển nông nghiệp và du lịch cộng đồng
Nằm ở vùng đất phù sa màu mỡ ven sông, xã An Phú – nay là một phần của xã Mỹ Đức mới – từ lâu đã nổi tiếng với vựa sen lớn nhất miền Bắc. Với quy mô khoảng 200ha trồng sen theo quy hoạch, nơi đây không chỉ là vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất trà sen, hạt sen, tinh dầu… mà còn đang được định hướng phát triển thành khu du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp sinh thái.
Đầm sen An Phú
Vào mùa sen nở (tháng 5 đến tháng 7), hàng nghìn du khách đổ về An Phú để thưởng ngoạn cảnh sắc thanh bình, chụp ảnh, trải nghiệm hái sen,….. Đây là mô hình kinh tế nông nghiệp kết hợp du lịch đầy triển vọng, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn nét đẹp văn hóa làng quê.
Với quy hoạch bài bản và sự tham gia của cộng đồng, vựa sen An Phú đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch ngoại thành Hà Nội – nơi du khách có thể tìm thấy sự thư thái, gần gũi thiên nhiên, và những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc Việt.
Xã Mỹ Đức mới được hợp nhất từ các đơn vị hành chính giàu truyền thống, đang sở hữu đầy đủ yếu tố thuận lợi để phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Với tiềm năng lớn về kinh tế nông nghiệp kết hợp du lịch, Mỹ Đức mới có đủ thế và lực để bứt phá, vươn lên trong công cuộc đổi mới, phát triển toàn diện và bền vững ngay tại Thủ đô Hà Nội. Việc khai thác hiệu quả những tiềm năng này sẽ là chìa khóa giúp Mỹ Đức mới trở thành hình mẫu nông thôn mới tiêu biểu trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thu An