kinh tế - chính trị kinh tế - chính trị

Huyện Mỹ Đức: tổng giá trị sản xuất ước 9 tháng năm 2024 đạt 11.424,8 tỷ đồng
Ngày đăng 19/09/2024 | 19:04  | View count: 145

Sáng ngày 19/9, UBND huyện Mỹ Đức tổ chức hội nghị giao ban công tác 9 tháng và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024. Đồng chí Đặng Văn Triều, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị còn có đồng chí Lê Chí Hòa, UVBTV Huyện ủy, Chủ HĐND huyện; đồng chí Trần Quốc Sinh, UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện; đồng chí Đặng Văn Cảnh, UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện; các đồng chí Thường trực HĐND, UBND huyện; thủ trưởng các Phòng, Ban, ngành thuộc huyện, Chủ tịch các xã, thị trên địa bàn huyện.

Trong 8 tháng, ước 9 tháng năm 2024, trong bối cảnh có những điều kiện thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành phố, Huyện ủy, sự giám sát của HĐND huyện và bằng nhiều biện pháp, giải pháp tích cực, UBND huyện Mỹ Đức đã tập trung chỉ đạo, quyết liệt, bám sát các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế xã hội, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đạt được những kết quả nổi bật.

Theo báo cáo của UBND huyện Mỹ Đức cho biết, trong 8 tháng, ước 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế của huyện tăng trưởng cao 9,3% so cùng kỳ, tổng giá trị sản xuất ước đạt 11.424,8 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế duy trì bước chuyển dịch tỷ trọng về nghành Thương mại – Dịch vụ - Du lịch, với nông nghiệp, thủy sản chiếm 21,6%; công nghiệp, xây dựng cơ bản chiếm 33,7%; Thương mại- dịch vụ - Du lịch chiếm 44,7%

Đặc biệt, 8 tháng năm 2024, huyện đã tổ chức thành công 03  phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở tại 08 xã và thị trấn với số tiền trúng trên 125  tỷ đồng; tổ chức các phiên đấu giá đất công ích tại 2 xã với số tiền trúng gần 73,5 triệu đồng/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 379 tỷ đồng, bằng 70% dự toán thành phố giao, đạt 31% dự toán HĐND huyện giao…

Huyện đã chỉ đạo tốt việc xây dựng NTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở các xã trên địa bàn. Chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm soát tình hình dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Huyện cũng chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng...Công tác chỉnh trang, duy trì hệ thống chiếu sáng, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông được đảm bảo.

Cùng với đó, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe của nhân dân tiếp tục được quan tâm thực hiện.

Các hoạt động thông tin tuyên truyền được triển khai sâu rộng, tích cực, đạt hiệu quả cao. Công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại được tập trung chỉ đạo và giải quyết theo quy định, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định, không xảy ra các vụ việc phức tạp ở trên địa bàn.

Trong đợt mưa bão vừa qua, một số thôn, xã trên địa bàn huyện Mỹ Đức bị ngập sâu, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân. Thống kê của Mỹ Đức cho thấy tính đến chiều 18/9, toàn huyện có khoảng 2.632 ha lúa bị đổ, ngập, trong đó, 1.838,7ha bị ảnh hưởng nặng; 410 ha hoa màu bị ảnh hưởng, khoảng 25.300 cây ăn quả bị đổ, gãy; khoảng 98,2ha cây hàng năm bị đổ gãy; 7.250 cây bóng mát, cây lấy gỗ bị đổ, gãy; khoảng 11.500 con gia cầm bị chết do ngập chuồng; tràn trên 670 ha nuôi trồng thủy sản; 114 chuồng trại bị đổ, sập, tốc mái; 85 nhà cấp 4, mái tôn trường học, đình, chùa, trạm y tế bị tốc mái. Có 3.700 hộ dân bị nước tràn vào nhà, hiện còn 2694 hộ và (10.727 nhân khẩu) bị ngập; huyện đã chỉ đạo di dời 1.634 hộ ra khỏi vùng trũng, ngập lụt nguy hiểm, còn khoảng 1.132 hộ chưa thể quay về.

Đến thời điểm này, công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ đã được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Xí nghiệp Đầu tư phát triển Thủy Lợi Mỹ Đức đã vận hành 10 trạm bơm với 25 tổ mức, tổng lưu lượng 117.600m3 để tiêu úng. Cùng đó, các cơ quan, đơn vị tập trung lực lượng khắc phục các công trình bị ảnh hưởng do bão; chủ động ứng trực, chuẩn bị nhân lực, vật tư phương tiện, sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ.” Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số trường học chưa thể đón học sinh tới trường. Ngoài ra, các xã, thị trấn đã huy động trên 12.900 lượt người; 80 ôtô các loại, 19 máy xúc, 20 thuyền, khoảng trên 2.600m3 cát, trên 620m3 đất, trên 71.500 bao tải…. để khắc phục các sự cố trên các tuyến đê, trạm bơm, thu hoạch lúa Mùa cho dân…

Huyện Mỹ Đức đã đảm bảo tuyệt đối tính mạng người dân, hỗ trợ kịp thời các nhu yếu phẩm thiết yếu; điều tiết, phân luồng giao thông kịp thời, đảm bảo an toàn các điểm úng ngập. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo Nhân dân thu hoạch lúa Mùa chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ Đông 2024-2025 và khôi phục sản xuất ổn định đời sống sau mưa, bão úng.

Cũng tại hội nghị, đại biểu các xã, thị trấn đã đưa ra một số ý kiến để các ngành của Thành phố đóng trên địa bàn huyện và các phòng, ban của huyện giải đáp những khó khăn, vướng mắc như; Công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn, công tác giáo dục, y tế, bảo hiểm và khắc thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 3 gây ra…

Với tinh thần dân chủ, quyết liệt, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Đặng Văn Triều, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đề nghị các phòng, ban, ngành, cơ quan, đơn vị huyện và UBND các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2024.

Cụ thể là các ngành, các địa phương cần tập trung nhân lực, nguồn lực để khắc phục hậu quả mưa lũ do cơn bão số 3 gây ra. Yêu cầu các phòng, ban, đơn vị, các xã, thị trấn tiếp tục triển khai nghiêm túc tổ chức trực ban 24h/24h theo quy định. Cung cấp, hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết đảm bảo đời sống người dân, đặc biệt các hộ cận nghèo, hộ chính sách, có hoàn cảnh khó khăn… Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các hộ dân tiếp tục tổng vệ sinh môi trường, khắc phục các công trình hư hỏng, đảm bảo giao thông, dần khôi phục hoạt động sản xuất và đời sống người dân. Ngành GĐ&ĐT huyện, các địa phương  huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả, đón học sinh sớm trở lại trường.

Chủ động vận hành các trạm bơm tiêu úng để hạ mực nước, giảm thiểu thời gian úng ngập, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục xử lý, trồng lại các cây xanh bị đổ, gãy, trồng bổ sung cây xanh bị hư hỏng không thể trồng lại. Tiến hành thống kê các thiệt hại, kết quả khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ thiệt hại cho người dân theo quy định.

Quyết tâm hoàn thành việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch để tăng nguồn thu. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư.

Tập trung tháo gỡ những vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ GPMB và ra quyết định cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình không phối hợp kiểm đếm tài sản trên đất để thực hiện công tác GPMB triển khai thực hiện dự án.

Về sản xuất nông nghiệp, đề nghị các phòng ban tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi. Làm tốt công tác phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ.

Đôn đốc 3 xã sớm hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, các xã xây dựng NTM kiểu mẫu. Về thuế, tài chính cần tăng cường các giải pháp chống thất thu thuế, đảm bảo hoàn thành các dự án theo đúng tiến độ.

Chỉ đạo chi ngân sách đúng luật, hiệu quả kịp thời. Về văn hóa xã hội, yêu cầu các xã, thị trấn, các cơ quan có chức năng đẩy nhanh công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia.

Về an ninh trật tự xã hội, cần tích cực đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, bảo đảm an ninh ổn định, giảm thiểu các vụ tai nạn xảy ra. Tăng cường công tác an sinh xã hội, chăm lo tốt đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân.

Văn Mạnh