kinh tế - chính trị kinh tế - chính trị

Hồ Tuy Lai: Tiềm năng mới thúc đẩy phát triển du lịch huyện Mỹ Đức
Ngày đăng 03/08/2016 | 10:37  | View count: 3086

Mỹ Đức được tạo hóa ưu ái với những dải núi đá vôi trùng điệp, những sông, hồ rộng lớn tạo nên cảnh núi non, sơn thủy hữu tình. Không chỉ có khu thắng cảnh Chùa Hương, hồ Quan Sơn... hồ Tuy Lai còn nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên phong phú với cảnh núi non sông nước kỳ vĩ, huyền ảo. Dưới sự sắp đặt của bàn tay tạo hóa đây sẽ một trong những tiềm năng du lịch lớn của huyện Mỹ Đức.

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 45 km về phía Tây Nam và cách trung tâm huyện Mỹ Đức 8km, quần thể hồ Tuy Lai (nằm chủ yếu ở xã Tuy Lai) trải rộng hơn 26,5 km2 được tạo nên bởi các dải núi đá vôi, một số hang động, thung lũng, cùng với gần 10 di tích lịch sử - văn hóa bao gồm đền thờ, chùa, đình tạo nên một không gian thanh tịnh huyền ảo, trữ tình hiếm thấy.

Hồ Tuy Lai có diện tích lớn, chiều dài hơn 10km cùng với các dãy núi cao

Quần thể này bao gồm 4 chuỗi cảnh quan tự nhiên có sinh thái khác nhau, đầu tiên từ phía thượng nguồn của hồ có chuỗi cảnh quan mặt hồ Tuy Lai bắt đầu từ thôn Thượng xã Thượng Lâm (Mỹ Đức) đến chân núi Hàm Long, chạy dài 10km. Tổng diện tích mặt nước là 250ha, kích thước nơi mặt hồ nơi rộng nhất là 810m; kích thước bề mặt nơi eo hẹp nhất 118m, mặt nước có thảm thực vật phong phú mang đặc trưng của các sông suối nước ngọt.

Còn 3 chuỗi cảnh quan còn lại là chuỗi cảnh quan núi cao tự nhiên, có các dạng núi đá vôi tự nhiên, độ dốc lớn, lấn sát hồ nước tạo cảnh quan và không gian rộng rãi, đẹp và thoáng đãng; Chuỗi cảnh quan đảo nhỏ, có hình ảnh như "Hạ Long trên cạn" đây là tiềm năng khai thác du lịch sinh thái rất tốt. Ngoài ra, còn có vùng cảnh quan xen kẹp giữa các dãy núi tạo thành các vùng thung lũng bằng phẳng nhỏ, thích hợp cho xây dựng khu nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên và phù hợp các hoạt động du lịch khám phá. Cả 4 chuỗi cảnh quan này nếu được tận mắt ngắm nhìn toàn cảnh từ trên cao, du khách mới thực sự cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của sự kết hợp hài hòa giữa núi, trời, sông nước nơi đây.

Khi du khách đến đây, điều trước tiên cảm nhận là hệ thống các bán đảo và đảo là các núi, cùng với thảm thực vật là cỏ cây chen núi đá đứng sừng sững bám sát mặt hồ. Các chuyên gia nghiên cứu về tự nhiên, địa chất đánh giá về quy mô và tính chất khu vực núi hồ Tuy Lai không kém hơn so với vùng núi Ba Vì, Tràng An... Cùng với đó khu vực này còn có vùng mặt nước động chạy dài theo dãy núi ở phía ngoài. Với vùng diện tích mặt nước rộng lớn phía ngoài và lợi thế bằng phẳng sẽ rất phù hợp các hoạt động tổ chức sự kiện đông người, sôi động đồng thời tạo thuận tiện cho các hoạt động thể thao trên mặt nước.

Phía bên trong là vùng mặt nước tĩnh, được các dãy núi bao bọc tạo thành các thung lũng chứa nước lớn. Trong đó có Thung Xế, đây một vùng non nước hữu tình, núi trong hồ, hồ trong núi. Đất lành chim đậu, nơi đây có hàng ngàn vạn con chim ríu rít bay về, đậu trắng xóa trên các cành cây, các ngọn núi tạo thành cảnh quan đặc sắc cho du khách. 

Hồ Tuy Lai còn có nhiều điểm mang tính chất văn hóa tâm linh truyền thống của người dân

Không chỉ mang vẻ đẹp của tự nhiên, trong hành trình khám phá quần thể hồ Tuy Lai, du khách có thể đến các điểm mang tính chất văn hóa tâm linh truyền thống của người dân 4 xã (Thượng Lâm, Mỹ Thành, Hồng Sơn và An Mỹ). Trong đó có chùa Hàm Long, ở xã Tuy Lai đây là ngôi chùa được xây dựng rất lâu đời, nằm lưng chừng núi dưới vách đá thẳng đứng do dân làng thôn Khê Bộ xây dựng. Đối với đền Vân Mộng, đây là ngôi đền toạ lạc trên thế đất cao ráo nằm ở giữa hồ, đền được xây dựng từ thời nhà Lý, là nơi thờ cúng của người dân của 4 xã xung quanh. Ngoài ra, trong quần thể hồ Tuy Lai còn có Đình làng Thôn Thượng; đình làng Thượng Lâm; chùa Thượng Lâm; chùa Cảnh Linh Tự; đền Hang Cá; đảo Ngọc; núi Chầy; Chùa cao; chùa Quan Âm...  

Đặc biệt khi đến quần thể hồ Tuy Lai, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản núi rừng đặc trưng của vùng như: cơm lam, thịt dê núi, thịt gà nướng đất sét, các loại cá tự nhiên, măng đắng chấm mẻ, canh rau đắng...  

Có thể nói vẻ đẹp hoang sơ mà hùng vĩ của quần thể hồ Tuy Lai luôn mang đến cho ta cảm giác thật thoải mái và yên lành giữa những lo toan bộn bề giữa dòng đời nhộn nhịp. Mang vẻ đẹp tiềm ẩn của núi rừng hồ Tuy Lai, Mỹ Đức có tiềm năng và thế mạnh để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng.

Theo ông Đinh Xuân Đàm, Phó Chủ tịch UBND xã Tuy Lai cho biết, hàng năm hồ chứa thường dùng để nuôi cá, do hồ có diện tích lớn nên lượng cá thu hoạch của hồ tương đối lớn, 1 năm 1 vụ cá. Hồ còn phục vụ cho việc tưới vụ Chiêm Xuân, Vụ Mùa và phục vụ cho cả vụ Đông cho xã Tuy Lai và một số xã lân cận. Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tuy nhiên hiện nay hồ mới chỉ dừng lại ở phục vụ cho một số hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nói về tiềm năng về nguồn nhân lực, lao động Phó Chủ tịch xã cho rằng, hiện nay dân số có xã tương đối đông, với 10.980 người, lực lượng lao động lớn, xã có 14 thôn, có một làng nghề mây tre đan ở Thôn Trê, 90% dân số của xã là làm nông nghiệp. Lãnh đạo xã cho rằng, nếu dự án về phát triển du lịch được thành phố triển khai sẽ là điều kiện để tăng lao động ở ngành dịch vụ, du lịch, tạo thêm nhiều ngành nghề cho xã. Bên cạnh đó, từ phát triển du lịch xã sẽ phát huy tiềm năng làng nghề truyền thống với hơn 80 hộ làm nghề mây tre đan từ đó nâng cao thu nhập đời sống cho nhân dân.

Theo ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức: để thúc đẩy ngành du lịch của huyện pháp triển, hiện nay, huyện đang kiến nghị thành phố hỗ trợ kêu gọi đầu tư cho khu vực hồ Quan Sơn và hồ sinh thái Tuy Lai. Về kết nối hạ tầng khu vực xã Tuy Lai, huyện cũng kiến nghị thành phố xây dựng công trình cầu Mỹ Hòa, từ huyện Ứng Hòa bắc qua sông Đáy đến xã Bột Xuyên đi Tuy Lai. Trước mắt, huyện sẽ tập trung giới thiệu về tiềm năng du lịch của các địa danh nói trên để quảng bá, thu hút các nhà đầu tư xứng tầm tham gia đầu các dự án.

Báo cáo với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải về tình hình triển khai các dự án du lịch tại huyện Mỹ Đức, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Văn Tứ cho biết, đối với dự án Hồ Quan Sơn về công tác chuẩn bị đầu tư về cơ bản đã triển khai xong, bao gồm tổ hợp các dự án (dự án BT, dự án sân gort, khu du lịch sinh thái, dự án khu vui chơi giải trí) đây là các dự án thành phố cũng đang tập trung đẩy nhanh. Trước đây, các dự án này bị ảnh hưởng do quá trình hợp nhất, quá trình thay đổi về quy hoạch chung thủ đô, cơ chế đầu tư thay đổi nên dự án bị dừng, đến cuối năm 2012 nhà đầu tư đang tích cực triển khai.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư: riêng hồ Tuy Lai là khu vực có cảnh quan đẹp, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm từ năm 2005. Trước đây, tỉnh Hà Tây đã từng cấp giấy chứng nhận về xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, tuy nhiên sau đó chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án, sau đó, thành phố đã thu hồi giấy phép đầu tư. Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch & Đầu tư sẽ nghiên cứu tìm nhà đầu tư có đầy đủ năng lực tài chính để cho phép đầu tư. Giám đốc sở KH&ĐT cũng cho biết, vấn đề mấu chốt là nếu không đẩy nhanh tiến độ đường Miếu Môn - Hương Sơn thì khó có thể phát triển được du lịch khu vực này.

Theo Đoàn Nguyên- HNP