kinh tế - chính trị kinh tế - chính trị

Làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại tổng hợp
Ngày đăng 29/06/2016 | 17:00  | View count: 884

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, nơi có thắng cảnh Chùa Hương nổi tiếng. Với mong muốn làm giàu để thoát cảnh đói nghèo, gia đình ông Phạm Văn Huấn đã quyết tâm đầu tư phát triển kinh tế trang trại

Sau khi rời quân ngũ trở về quê hương, ông đã làm đủ nghề để sinh sống. Nhưng cuối cùng ông quyết định xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Năm 2013, gia đình ông nhận thầu với UBND xã Hương Sơn diện tích đất gần 3 ha để làm mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả. Những năm đầu, vốn ít, để lấy ngắn nuôi dài, ông quyết định trồng chuối tiêu hồng, nhưng ông thấy như vậy hiệu quả vẫn chưa cao. Sau nhiều ngày trăn trở với ý chí nghị lực của người lính ông quyết tâm làm giầu ngay trên mảnh đất đầy tiềm năng sắn có của quê hương mình.

Ông Phạm Văn Huấn tại trang trại của gia đình

Buổi đầu xây dựng trang trại, do ít kinh nghiệm nên trang trại của ông Huấn cũng gặp nhiều khó khăn. Diện tích đất gia đình ông đấu khó canh tác nên mất nhiều công sức, tiền vốn để đầu tư cải tạo. Tuy nhiên, với bản chất cần cù, chịu khó, ham học hỏi nên ông Huấn đã dần xây dựng thành một trang trại quy mô hoàn chỉnh. Ông từng bước kết hợp chăn nuôi với trồng cây lâu năm xen kẽ các cây ngắn ngày.

Đến năm 2015, nhận thấy nhu cầu thịt nhím phục vụ cho lễ hội Chùa Hương rất lớn, ông quyết tâm đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi nhím. Hiện nay, trang trại của ông đang nuôi hơn 150 con nhím với 35 cặp nhím bố, mẹ. Ông không ngần ngại cho chúng tôi biết: Trong năm 2015, trừ tất cả chi phí đối với nhím ông thu lãi gần 200 triệu đồng.

Chia sẻ về chăn nuôi nhím, ông Huấn cho biết: " Nhím là loài vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng cũng rất đơn giản. Nhím có thể ăn rất nhiều loại thức ăn, đặc biệt có thể tận dụng tất cả các phụ phẩm nông nghiệp, các loại  rau, củ, quả trồng tại vườn"

Ông Phạm Văn Huấn tại trang trại nuôi nhím

Ngoài ra, ông đầu tư trồng 500 gốc nhãn, 500 gốc na, 500 gốc bưởi, 150 gốc ổi và 1.400 cây chanh. Hiện tại, với 500 gốc nhãn năm nay đã bắt đầu cho thu hoạch, ước tính thu từ 8 - 10 tấn quả. Trừ chi phí mỗi năm gia đình thu được gần 200 triệu đồng từ trồng cây ăn quả.

Không chỉ là người giỏi làm kinh tế trang trại, ông Phạm Văn Huấn còn là một hội viên nông dân gương mẫu, nhiệt tình. Những năm qua ông Huấn thường xuyên giúp đỡ về giống, vốn, kinh nghiệm để mọi người cùng vươn lên làm giàu.

Phát triển kinh tế phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương là điều rất quan trọng và thiết thực. Mô hình trang trại của ông Phạm Văn Huấn là một trong nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao của Hội nông dân xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, xứng đáng để nhiều nông dân trong huyện học hỏi và làm theo để cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu.

Nguyễn Quyền