Chi tiết tìm kiếm Chi tiết tìm kiếm

Ra đi tìm đường cứu nước giá trị thời đại cho dân tộc Việt Nam (Kỷ niệm 113 năm ngày Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, 5/6/1911-2024)
Ngày đăng 03/06/2024 | 08:26

Trăn trở với nỗi đau mất nước và tự đi tìm câu trả lời, đó chính là điểm nổi bật nhất trong hành trình đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam của Nguyễn Tất Thành. Giữa muôn vàn chủ nghĩa chi phối, ảnh hưởng, nhưng với bản lĩnh, sự hiểu biết, tầm nhìn thấu đáo và tư duy biện chứng của một con người đầy khát vọng, Người đã lựa chọn được con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp.

* Đi tìm chân lý:

Ngày 05-6-1911, Nguyễn Tất Thành đặt chân xuống tàu Amiral Latuso Trevil để đi sang phương Tây, khi đó dân tộc Việt Nam đang phải chịu ách nô lệ của thực dân Pháp. Nguyễn Tất Thành đúc rút kinh nghiệm từ bài học thất bại của các phong trào yêu nước trước đó. Nguyễn Tất Thành đã đi nhiều nước, khảo sát nhiều cuộc cách mạng, học hỏi nhiều mô hình nhà nước, tất cả đều với mục đích cao nhất là tìm con đường giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Tháng 7 -1920, sau nhiều năm kiếm tìm, Nguyễn Ái Quốc được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I Lênin và tìm thấy ở đây chiếc “cẩm nang thần kỳ” cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mình. Tìm thấy con đường cứu nước chính là điều kỳ vọng nhất của Nguyễn Ái Quốc trong nhiều năm đã trở thành hiện thực. Điều đó được người ví “tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”(1). Sự đổi mới về mặt tư tưởng này của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là dấu ấn lịch sử trọng đại trên hành trình tìm đường cứu nước, mở ra con đường xây dựng đất nước Việt Nam của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh.

* Giá trị thời đại của sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước

Lịch sử dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi nhớ ngày 05-6-1911 - người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên Văn Ba đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville của Pháp, lênh đênh nơi sóng cả, bôn ba qua ba đại dương, bốn châu lục, đi qua 28 nước trên thế giới để đem chân lý của thời đại là chủ nghĩa Mác - Lênin về với dân tộc Việt Nam. Quá trình đó cũng là quá trình chuyển biến từ người thanh niên yêu nước nhiệt thành trở thành người chiến sĩ cộng sản quốc tế, là quá trình kiên trì, chủ động, sáng tạo, bền gan, vững trí của Nguyễn Tất Thành trước những khó khăn, chông gai của thời cuộc.

113 năm nhìn lại, chúng ta có thể khẳng định rằng, quyết định sang phương Tây của Nguyễn Tất Thành là hoàn toàn đúng đắn, có giá trị thời đại to lớn đối với dân tộc Việt Nam.

Một là, sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước mở ra quá trình Người tiếp thu chân lý thời đại - chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm ra con đường chân chính cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước của cách mạng Việt Nam.

Hai là, sự kiện này cũng mở ra thời kỳ định hình của con đường xây dựng, phát triển đất nước: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Mục tiêu nhất quán của Nguyễn Tất Thành khi ra nước ngoài ngày 5-6-1911 là tìm đường cứu nước. Sau khi tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, Người xác định:“Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(2).

Ba là, sự khởi đầu hành trình tìm đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Tất Thành đã đặt nền móng cho quá trình Người tiếp nhận, đưa chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào cách mạng Việt Nam. Trải qua những năm bôn ba, Người học hỏi những tinh hoa văn hóa nhân loại và từng bước nghiên cứu, tiếp nhận thế giới quan khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đến với học thuyết Mác - Lênin khi nhìn thấy ở đó ánh sáng soi đường, chỉ lối cho con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, để rồi truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, sáng lập chính đảng cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản.

Bốn là, hành động ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành có ý nghĩa động viên, cổ vũ, thúc đẩy cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng các dân tộc thuộc địa trên thế giới.

Năm là, sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước đã thể hiện tấm gương lớn về quyết định chủ động, sáng tạo, độc lập, ý chí, quyết tâm, nghị lực phi thường trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Những bài học sâu sắc từ sự chủ động, quyết đoán, sáng tạo, bản lĩnh, nghị lực của Người có giá trị to lớn đối với các thế hệ, đặc biệt là trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.

Ngày 5-6-1911 không chỉ là sự kiện khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành mà còn là một dấu ấn đặc biệt trong quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Đây là sự kiện mang giá trị thời đại, thể hiện cống hiến của Người đối với công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

Ban Biên tập bản tin

(Nguồn Tạp chí điện tử LLCT)

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.173.

 (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 209, 287.