tin tức sự kiện tin tức sự kiện

Mỹ Đức giữ gìn nét đẹp văn hóa ăn trầu của người Việt
Ngày đăng 19/11/2018 | 14:17  | View count: 4348

Tục ăn trầu là một nét đẹp văn hóa giao tiếp của người Việt, xuất hiện từ thời Vua Hùng Vương, gắn liền với “sự tích trầu cau”. Từ sự tích này, Người Việt bắt đầu hình thành tục ăn trầu. Trải qua bao biến cố thăng trầm thì những nét đẹp văn hóa ăn trầu của người Việt vẫn được giữ gìn cho đến ngày nay.

Ban đầu tục ăn trầu của người Việt chỉ là một thói quen nhưng theo thời gian tục ăn trầu đã trở thành một phong tục đẹp và là một trong những yếu tố cấu thành nên nền văn hóa Việt Nam.

Miếng trầu là đầu câu chuyện

Ở Việt Nam, người quan niệm: “miếng trầu là đầu câu chuyện” nên tục ăn trầu, mời trầu đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa giao tiếp của người Việt. Mỗi khi găp nhau sau câu chào, người Việt thường mời nhau ăn một  miếng trầu để lấy cớ chuyện trò, lấy cớ làm quen, để giãi bày câu chuyện. Cuộc vui sẽ rôm rả hơn và nỗi buồn sẽ vợi bớt đi khi chúng ta cùng nhau ăn trầu, cùng ăn, cùng suy ngẫm sự đời. Chính vì vậy mà ngày xưa ở các vùng quê Việt Nam,  hầu như nhà ai cũng có hàng cau, giàn trầu cạnh bếp. Nó như là một món ăn không thể thiếu đối với người Việt Nam xưa. Cụ Nguyễn Ngọc Châu - xã Phù Lưu Tế - huyện Mỹ Đức - một nhà báo trong quân đội đã có nhiều năm tìm hiểu về tục ăn trầu đã vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về tục ăn trầu của mẹ mình và của các cụ ta xưa. 

Ngày xưa, khi tôi còn nhỏ, Nhà tôi trồng cả một vườn cau và 1 giàn trầu. Mẹ tôi ngày nào cũng  ăn trầu như  thể đây là  một món ăn tinh thần không thể thiếu và mỗi khi khách đến chơi nhà, mẹ tôi thường hái quả cau, lá trầu quệt với ít vôi để mời khách ăn miếng trầu cho môi hồng má đỏ.  Ngày xưa tục ăn trầu khá phổ biến.  Đến nhà ai cũng thấy trên bàn uống nước luôn có sẵn 1 chiếc bình vôi và một đĩa trầu cau để mời khách khi khách đến chơi nhà.   Khách đến chơi nhà, Gia chủ mời khách ăn một miếng trầu để gắn kết tình cảm bạn bè, bằng hữu, anh em, họ hàng.  Họ mời nhau ăn một miếng trầu để cùng ăn, cùng suy ngẫm về sự đời, về những đắng cay ngọt bùi với những câu chuyện vui buồn luôn có nhau. Qua những cuộc chuyện trò, cùng nhau ngồi ăn trầu đã làm cho tình cảm anh em cũng như tình làng nghĩa xóm gắn kết với nhau bền chặt hơn”.  Cụ Nguyễn Ngọc Châu cũng cho biết thêm : “ Trầu và cau còn là một lễ vật không thể thiếu trong các đám cưới của người Việt Nam từ xưa cho đến nay với ý nghĩa gắn kết tình nghĩa của các đôi trai gái nên duyên vợ chồng.  Việc ăn trầu của người Việt xưa còn là một cách làm đẹp của các đôi trai gái”. Theo Cụ Châu cho biết: “Ngày xưa không có phấn son như bây giờ nên các cô gái trẻ đôi mươi thường xuyên ăn trầu để cho má hồng, môi đỏ.  Ăn trầu còn là một cách làm đẹp của các đôi trai gái. Mỗi khi họ ăn trầu sẽ làm cho cơ thể ấm lại và làm cho môi hồng má đỏ ”.

Nét đẹp văn hóa Trầu cau trong đám cưới, hỏi của người Việt

Tại huyện Mỹ Đức, người dân vẫn lưu giữ hình ảnh ăn trầu tại các đám hiếu, đám hỷ, tại các lễ hội và tại các cuộc vui hỷ sự của gia đình, dòng họ và gắn liền với một nét giao tiếp đặc sắc của người Việt. Khi các sự kiện này diễn ra, trên bàn uống nước thường có một đĩa trầu để mời khách khi khách đến chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn. 

  Đĩa Trầu Cau trong đám cưới người Việt tại xã Phù Lưu Tế - huyện Mỹ Đức   

Ngoài ra, Trầu và cau còn là một lễ vật  mà người Việt dâng lên trong các dịp lễ tuần rằm, mông một và các dịp lễ Thần, Lễ Phật. Quả cau và lá trầu đã mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Người dân lễ cau trầu là để dâng lên các ông công, thổ thần, ông bà tổ tiên cầu phúc, cầu may cho gia đình luôn thuận hòa đoàn kết, gắn bó yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Chính vì vậy mà dù ngày nay người ăn cau ít hơn nhưng cây cau và giàn trầu vẫn có giá trị lớn đối với người Việt Nam.  

Cảm nhận của người Việt khi ăn trầu

Với người dân Việt thì ăn trầu còn  là một cách để chống sâu răng và còn là một món ăn tinh thần, một liều thuốc bổ giúp cho các cụ cao niên quên đi nỗi buồn của tuổi già, khỏe mạnh hơn, da dẻ hồng hào hơn và có bộ răng rất chắc khỏe hơn. Khi ăn trầu các cụ thấy rất ngon, ngọt, cảm giác ấm lòng và khỏe mạnh hơn. Cụ Nguyễn Thị Di ở  thôn Phú Duy - xã An Tiến năm nay cũng đã hơn 80 tuổi, là cụ cao niên trong làng vẫn thường hay ăn trầu đã  kể cho chúng tôi nghe về cảm nhận của mình khi ăn trầu: “Tôi ăn trầu lâu rồi, ăn từ thời còn con gái. Ngày xưa năm thanh nữ tú ai ai cũng biết ăn trầu. Ăn nhiều thành quen. Bây giò tôi ăn liên tục, một ngày ăn đến 5-7 miếng trầu. Hôm nào không có miếng trầu cứ  thấy thiếu thiếu, cứ thấy nhạt mồm. Khi ăn trầu, tôi thấy  rất ngon và ngọt, cảm giác thấy ấm lòng và khỏe mạnh hơn” .

Cụ Nguyễn Thị Di - xã An Tiến - Huyện Mỹ Đức - thành phố Hà Nội vẫn lưu giữ hình ảnh ăn trầu của Người Việt xưa

Lưu giữ vườn cau, giàn trầu - một nét đẹp của hồn quê Việt Nam xưa

Ngày nay việc ăn trầu không còn phổ biến như trước nữa nhưng những nét đẹp văn hóa ăn trầu vẫn còn được lưu giữ lại ở khắp các làng quê. Hầu hết đến các gia chủ còn các cụ hay ăn trầu ngày xưa vẫn còn giữ lại vườn cau, giàn trầu vừa là để ăn, để bán, vừa là để giữ lại nét đẹp hồn quê Việt Nam xưa.

Bà Dương Thị Túc quê ở xã Lê Thanh - là một gia đình có truyền thống bán cau lâu đời của làng  Đức Thụ - Lê Thanh đã cho biết: “ Nhà tôi có tới 3 đời hành nghề buôn cau. Xưa kia thì tục ăn trầu khá phổ biến, Người người ăn cau, nhà nhà ăn cau. Ngày nay, mặc dù số người ăn cau ít đi và diện tích trồng cau bị thu hẹp nhưng giá trị của vườn cau, giàn giầu vẫn còn nguyên vẹn. Bởi  tục ăn trầu đã trở thành một phong tục đẹp được người dân Việt  lưu giữ mãi đến muôn đời sau. Vì vậy mà gia đình tôi đến nay vẫn buôn cau và còn phát triển hơn xưa. Mỗi năm, gia đình bán, xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 700 – 800 tấn cau khô và 50 – 60 tấn cau tươi cho người dân các địa phương để phục vụ các đám cưới, ma chay, hiếu hỷ và lễ hội tại địa bàn huyện Mỹ Đức và các vùng lân cận. Hiện nay, giá trị của một sào Cau rất cao. So với trồng các loại cây ăn quả khác thì  1 sào cau cũng cho thu nhập khoảng 40 – 45 triệu đồng/ sào/ năm”.

 

Bà Dương Thị Túc - Thôn Đức Thụ - xã Lê Thanh - huyện Mỹ Đức - thành phố Hà Nội

Sự tích trầu cau và Tục ăn trầu của người Việt Nam vẫn được lưu giữ lại tại các làng quê của huyện Mỹ Đức nói riêng và các vùng quê của Việt Nam nói chung là để truyền đi thông điệp về tình cảm vợ chồng sắt son và tình nghĩa anh em gắn kết, bền chặt mãi theo thời gian, về tình cảm bạn bè, làng xóm thân thiết luôn hòa quện bên nhau như cau với trầu. Chúng tôi tự hào về nét đẹp văn hóa trầu, cau mãi mãi lan tỏa ý nghĩa về sự sum vầy, hạnh phúc, trọn vẹn trong mỗi gia đình Việt. Đây là một nét đẹp văn hóa cần được duy trì và phát triển. 

Thu An