tin tức sự kiện tin tức sự kiện

Người chở đò giàu lòng nhân ái
Ngày đăng 30/01/2020 | 15:57  | View count: 548

Cô Tăng Thị Hương, sinh năm 1974, quê ở Phường La Khê, Hà Đông, bố là bộ đội chống Pháp, mẹ làm kế toán. Nhà đông anh chị em nhưng cả 5 người đều được ăn học đầy đủ.

Năm 1997, tốt nghiệp Đại học, như bạn bè cùng trang lứa cô sinh viên Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng mơ ước được ở lại Thành phố công tác. Đúng lúc đó Sở Giáo dục Hà Tây thông báo khối giáo dục THPT thiếu giáo viên tại Hoài Đức và Mỹ Đức. Với hoài bão tuổi trẻ, muốn đi xa, muốn khám phá. Cô chọn Mỹ Đức với ý nghĩ, Mỹ Đức có Chùa Hương chắc hẳn sẽ có rừng, có núi.

Cô về giảng dạy ở trường THPT Mỹ Đức B, thuộc xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức và gắn bó với mảnh đất này từ đó. Cô nghĩ chỉ về 1 năm rồi đi, nhưng về rồi không muốn đi nữa. Cô được chủ nhiệm ngay từ năm đầu tiên đứng lớp, cũng vì thế học trò tình cảm và gắn bó hơn. Cứ mỗi thứ 7, bảo cô về Hà Đông, lũ trẻ lại hỏi, cô về thứ Hai cô có đến không, cứ như thể sợ cô không quay lại. Hồi đó xe cộ không tiện như bây giờ, quãng đường từ Hà Đông đến trường phải đi xe khách đến đầu cầu phao Kinh Đào sau đó đi nhờ xe nhiều chặng mới vào trường được. Có những ngày thứ Hai nhỡ xe, chào cờ xong rồi chưa thấy cô đâu, lũ trẻ đứng đợi mãi. Vừa tới sân trường, là chạm ánh mắt mong ngóng của tụi nhỏ, thực sự rất xúc động. Có lần 20/11, về đến bến xe bus gần nhà là một lũ học sinh đứng chờ sẵn, chúng bảo sao cô đi xe ô tô mà lâu thế. chúng em đạp xe theo ô tô của cô mà nhanh hơn. Cô mua bánh kẹo, trái cây cho bọn trẻ, rồi cô trò cùng nhau đi bộ vào - nhà cô cách nhà thi đấu Hà Đông khoảng 300 mét.

Cô nhớ lại hình ảnh những mái nhà tranh, cầu phao lắt lẻo, rồi những khi đạp xe lên chợ Kinh Đào, cứ chiều chiều lũ trẻ đứng bên này cầu phao đón mẹ chợ về với đôi quang gánh, một bên là gánh rau, gánh ổi, một bên là em nhỏ.

“Mái nhà tranh như vạt áo mẹ sờn

Mùi bùn đất quê hương nắng mưa dầu giãi

Thấy sấm tháng ba mẹ mong mùa gặt hái

Có rạ lợp nhà con khỏi ướt nhưng đêm mưa!”

Những hình ảnh mà chưa bao giờ cô thấy ở nơi cô sinh ra. Những yêu thương giản dị, nhỏ bé ấy cứ xâm lấn tâm hồn, giữ chân cô lại. Đến giờ cô có một gia đình hạnh phúc với hai cậu con trai, một bạn đang là sinh viên năm nhất Đại học CN Bưu chính Viễn thông, một bạn đang học lớp 7, ông xã cô hiện là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đăng Ninh - Ứng Hòa.

Suốt 22 năm gắn bó với nghề giáo cô đã nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, lòng nhiệt tình và giàu lòng nhân ái cô đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh. Có những em học sinh chán học, cô luôn động viên. Mỗi năm thi đại học một lần mà lần nào trước kỳ thi cô cũng lo lắm, chỉ lo học sinh thi không đỗ, có khi còn lo hơn cả con mình đi thi, “cũng may là con nhà chị cháu tự giác nên cũng đỗ cao, không người ta lại bảo chị bỏ bê gia đình”. Cô kể ánh mắt đầy hạnh phúc.

Cô luôn trăn trở, quê mình là nông thôn, cuộc sống còn nghèo, các học sinh của cô nhất định phải được tiếp cận với nền văn minh và thường nói với học sinh của mình “các em nhất định phải đi để trở về, có đi các em mới có thể trưởng thành để trở về giúp ích cho quê hương”. Nhiều thế hệ học sinh của cô đã thành đạt, có người giờ trở thành đồng nghiệp của cô, cũng rất tận tụy, chan hòa và nhân ái.

Nói về công việc thiện nguyện. Cô rưng rưng. Giáp tết năm 2014, lần đầu tiên đến mái ấm Thánh Tâm. Hôm đó đi cùng hai người bạn, được nghe các sơ ở đó kể về những người mẹ sinh con rồi phải bỏ đi, thương lắm, bởi vì mình cũng làm mẹ mà, tự nhiên cứ ôm nhau khóc. Cô gửi các sơ 500 ngàn để góp mua quà tết cho các cháu. Cô gắn bó và đồng hành với Thiện nguyện Hạc giấy kể từ ngày đó.

Cô chia sẻ: Không hiểu sao bây giờ mỗi khi chưa giúp được ai thì thấy day dứt lắm. Với suy nghĩ cho đi là nhận lại, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Rồi cứ thế một năm hai lần. Một lần vào đầu năm học cô vận động mọi người ủng hộ để lấy tiền đóng học phí, mua đồng phục, một lần giáp tết để cho các bé hoàn cảnh khó khăn có được cái tết ấm áp hơn.

Cô may mắn khi chồng và con đều ủng hộ việc thiện nguyện. Có những đợt vận động mọi người, vận động mãi chẳng được ai thì về ăn vạ chồng, như kiểu mở hàng ấy, cô vừa kể vừa cười. Con trai lớn thì ủng hộ bằng cách vận động các bạn cùng lớp quyên góp. Con trai bé đi theo mẹ làm thiện nguyện, mỗi lần đi đều mang theo cây đàn ocgan để đánh tặng các bạn.

Cô nói làm thiện nguyện nếu ngại thì không bao giờ làm được việc gì cả. Mỗi lần tìm đến nhà các em có hoàn cảnh khó khăn cô đều đi bằng xe máy, cứ mò mẫm một mình, gặp các bà, các cô hỏi : “cô lại đến đây à, nhà nó ở đấy, ở kia, vất vả lắm, thương lắm”. Có những lần chồng cô bảo, em làm cô giáo cứ đi vận động 5 nghìn, mười nghìn, bán lì xì, bán vở em không ngại à, cô bảo em không. Đồng nghiệp thì hỏi giờ sinh hoạt cô vận động các em mua lì xì với sách vở, chị có ngại không, cô cũng trả lời không. Có lần con trai lớn nói “mai này con học giỏi kiếm thật nhiều tiền cho mẹ làm thiện nguyện, đỡ phải đi bán lì xì”. Cô bảo không con ạ, việc mẹ vận động mọi người ủng hộ là để mọi người cùng chia sẻ, cùng làm việc thiện. Mẹ mong muốn nhân lên nhiều hơn nữa những yêu thương trong cuộc sống.

Lần nào đi họp lớp Đại học, lớp cấp 2, cấp 3 chị cũng vận động các bạn ủng hộ. Chính vì thế mà mỗi chương trình Hạc giấy phát động số tiền cũng như vật phẩm chị vận động ủng hộ được bao giờ cũng nhiều nhất.

Thay vì mọi người dành thời gian để bán hàng online kinh doanh kiếm tiền cho mình, cô thì không, cô bán online để lấy tiền làm thiện nguyện. Thời gian rảnh, thay vì bạn bè, đồng nghiệp đi café, mua sắm shoping, dạy thêm, cô chỉ dạy đủ giờ, có khi lôi mấy đứa học sinh học kém hoàn cảnh khó khăn về phụ đạo miễn phí, cô dành thời gian rảnh để kết nối cá nhân A, tổ chức B giúp đỡ những mảnh đời chưa lành lặn. Cô nói: Làm việc thiện khiến cuộc sống của cô trở nên ý nghĩa hơn và luôn cố gắng sống tích cực hơn.

Có lần cô kết nối công ty Thép ủng hộ một em nhỏ ở Lê Thanh, cô đi xe máy dẫn đường để họ đến thăm, thẩm định để đỡ đầu. Họ thi đi ô tô, vừa đi cô  vừa lo, không biết họ có ủng hộ không, lúc đến thì họ đã ủng hộ 2.000.000 rồi. Khi về mẹ em nói với theo “cô ơi, tôi cảm ơn cô nhé”, cô ái ngại vì chưa giúp họ được nhiều hơn thế.

Với phương châm làm việc thiện không khó và bất cứ ai cũng có thể làm thiện nguyện, các chương trình do cô và nhóm thiện nguyện phát động có khi là bán bút, vở, lì xì. Có lần ship 10 quyển vở ra Hà Đông cũng ship, phục vụ như là bán hàng thật ấy, vở rách có đổi trả đàng hoàng luôn, bán xong là đếm đếm, cộng cộng, trừ trừ, nhầm nhầm, lẫn lẫn, gói ghém, vuốt ve, toàn là tiền lẻ thôi mà vui lắm.

Nhóm của cô làm thiện nguyện đa số bằng vật phẩm: khi thì gạo, thi thì sách giáo khoa cũ, mì tôm, bánh kẹo, thực phẩm, đóng học phí, mua đồng phục … Từ năm 2014 đến nay cô đã tham gia ủng hộ và vận động ủng hộ nhiều chương trình thiện nguyện trong và ngoài huyện.

Láng giềng có lần hỏi, cô ở phố mà về đây ở được. Họ đâu biết rằng cô vui vì được sống ở nơi làng quê hiền hòa, giàu tình cảm này. Mọi người có gì cho nấy, thi thoảng mời nhau vào nhà uống chén nước. Cô sống chia sẻ và gắn bó, nên láng giềng ai cũng yêu quý. Năm ngoái có bác hàng xóm trồng cam, không may chồng bị tai nạn mất, bác ấy chẳng thiết tha gì, cam đến vụ cũng chẳng buồn hai bán. Cô Hương lại chở ra Hà Đông bán cho anh chị em, bạn bè vận động đồng nghiệp, học sinh mỗi người mua ủng hộ dăm ba cân, thế mà cũng bán hết một vườn. Thầy Hiệu trưởng của cô chẳng bảo: Cô mới bán thêm cam đấy à. Cô chỉ cười.

Tôi với cô hai người chưa bao giờ gặp mặt, mà nghe mỗi câu chuyện cô kể hai chị em đều rưng rưng. Chia tay tôi, cô nắm tay thật chặt: “ làm việc tốt không bao giờ đơn độc em à”!

Lê Thị Hợi - Hồng Chiên