Tin mới Tin mới

80 năm thành lập Chi bộ Đốc Tín, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Mỹ Đức (1939 - 2019)
Ngày đăng 20/03/2019 | 11:34  | View count: 4408

Cách đây 80 năm, vào đầu năm 1939, trong muôn vàn khó khăn, Chi bộ Đảng Đốc Tín - Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Mỹ Đức được thành lập, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện. Mốc son quan trọng đó là niềm tự hào, điểm tựa để Đảng bộ và nhân dân huyện vươn lên lập nhiều thành tích, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dưới sự tác động mạnh mẽ của các phong trào cách mạng, phong trào yêu nước, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng Sản Việt Nam, sự bồi dưỡng về chính trị, nâng cao tinh thần giác ngộ, sự hiểu biết về Đảng. Vào đầu năm 1939, tại nhà đồng chí Đặng Đình Tụ xóm Bến đò (tức xóm 3 ngày nay), xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức Chi bộ Đốc Tín gồm 3 đồng chí: Đặng Đình Tụ, Đặng Đình Khánh và Đặng Đình Đền. Đồng chí Đặng Đình Tụ được cử làm Bí thư chi bộ. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ huyện Mỹ Đức, đánh dấu một quá trình chuyển hóa về mặt tư tưởng, một bước phát triển về chất của phong trào cách mạng.

Chi bộ Đốc Tín ra đời là kết quả của một quá trình hoạt động sôi nổi của một nhóm thanh niên yêu nước tiêu biểu như các anh: Nguyễn Phúc Hồ - học sinh trường Bưởi (Đốc Tín), Vũ Văn Sạ hoạt động cách mạng ở Hà Nội và Hải Phòng (Phúc Lâm)... đây được xem là những hạt nhân nòng cốt đầu tiên của huyện Mỹ Đức được tiếp nhận ánh sáng cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin do Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tuyên truyền.

Ngày 03/02/1930 Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Hà Nội là trung tâm cao trào vận động đấu tranh dân chủ của cả nước, sách báo công khai của Mặt trận dân chủ theo nhiều hướng, nhiều nguồn đã đến được với nhân dân huyện Mỹ Đức, làm bùng lên những đốm lửa cách mạng đầu tiên ở nhiều nơi trong đó có Đốc Tín.

Ngay sau khi ra đời, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Chi bộ Đốc Tín có nhiệm vụ mở rộng phong trào cách mạng, đẩy mạnh hoạt động theo hai hướng công tác chính: Một mặt, tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức giác ngộ cách mạng cho quần chúng, củng cố và phát triển phong trào ở Đốc Tín. Mặt khác, thông qua các mối quan hệ quen biết, thân thuộc, chi bộ và một số quần chúng tích cực để chắp nối liên lạc, phát triển phong trào và xây dựng các cơ sở cách mạng tới các xóm, làng khác ở trong huyện và các vùng lân cận.

Từ giữa năm 1938, các đồng chí Đặng Đình Tụ, Đặng Đình Khánh và Đặng Đình Đền tham gia hoạt động cách mạng vùng Hoài Đức và Ứng Hòa với vai trò thợ dệt, để từ đó đã bắt liên lạc được với một số đồng chí cán bộ chủ chốt miền Bắc tỉnh. Trong thời gian này, chi bộ ghép La Cả - Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vạn Phúc lần lượt ra đời, được Xứ ủy Bắc kỳ giao nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh Hà Đông. Chuẩn bị các điều kiện tiến tới thành lập Đảng bộ tỉnh. Từ đó, giữa Đốc Tín và phong trào cách mạng trong tỉnh đã có mối liên hệ trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác từ các đồng chí Trương Đỗ Uông (Tảo Khê, Ứng Hòa), Nguyễn Uy (Kim Bảng, Hà Nam)... Do tích cực, chủ động tìm cách bắt mối, Chi bộ Đốc Tín đã liên lạc và phát triển được nhiều cơ sở trong vùng như: Phù Lưu Tế, Trinh Tiết, Ngọ xá, Văn Giang, Tế Tiêu và liên lạc được với cơ sở ở Tảo Khê thuộc huyện Ứng Hòa, cơ sở cách mạng ở vùng Kim Bảng (Hà Nam).

Tuy nhiên, đến cuối năm 1939 do các cuộc khủng bố tấn công mạnh mẽ của thực dân Pháp, phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ bị dập tắt, phong trào cách mạng của Mỹ Đức cũng chuyển hướng đấu tranh, lúc này Chi bô Đốc Tín lúc này rút vào hoạt động bí mật. Đến tháng 10/1941 Mặt trận Việt Minh Đốc Tín chính thức được thành lập. Tháng 11/1942, Mặt trận Việt Minh Vĩnh Lạc được thành lập. Sự ra đời của tổ Việt Minh Vĩnh Lạc được xem là hạt nhân tiếp theo của huyện Mỹ Đức để thành lập chi bộ ở phía bắc huyện. Như vậy, tính đến giữa năm 1942, trên địa bàn huyện Mỹ Đức, phong trào cách mạng đã hình thành ở cả ba khu vực: Bắc, Trung và Nam huyện. Trong đó, Đốc Tín có chi bộ Đảng, là trung tâm của các cơ sở ở phía nam, khu vực miền trung huyện. Vĩnh Lạc là trung tâm phong trào phía Bắc huyện. Cùng thời gian này, Đốc Tín được Xứ ủy Bắc Kỳ chọn làm cơ sở vành đai của an toàn khu, sau sự kiện này lực lượng cách mạng của huyện đã có bước phát triển nhanh và mạnh hơn trước.

Đến năm 1945, tình hình chính trị xã hội trên địa bàn huyện Mỹ Đức có những thay đổi, nhiều cơ sở Đảng bị đàn áp phải hoạt động bí mật và gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Bùi Quang Tạo đã được Tỉnh ủy cử về phụ trách và lãnh đạo phong trào cách mạng huyện Mỹ Đức. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của hai đồng chí phong trào cách mạng Mỹ Đức nhanh chóng bắt kịp với phong trào chung và công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh. Lấy Đốc Tín làm hạt nhân, các làng Phú Yên, An Đà, Hà Xá, Phù Lưu Tế... đã gây dựng được phong trào, thành lập các tổ Việt Minh. Cơ sở Ngọ Xá, Hòa Lạc được củng cố. Tiếp đó, các làng Tiên Mai, Hội Xá, Vạn Kim... lần lượt được thành lập.

Tháng 5/1945, tại nhà đồng chí Nguyễn Viết Thoan ở Vĩnh Lạc, Chị bộ Vĩnh Lạc được thành lập gồm 3 đồng chí: Nguyễn Thái Đức, Nguyễn Viết Kha và Nguyễn Viết Thoan. Đồng chí Nguyễn Viết Kha được cử làm Bí thư chi bộ. Như vậy, sau 6 năm từ 1939 đến 1945, huyện Mỹ Đức thành lập thêm được chi bộ Vĩnh Lạc. Sự kiện này đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về chất và lượng của phong trào cách mạng Mỹ Đức. Đây cũng là thời kỳ nhân dân Mỹ Đức bước vào cao trào kháng Nhật cứu nước.

Với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, Chi bộ Đốc Tín đã làm tốt vai trò là hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển phong trào cách mạng của huyện, đồng thời thúc đẩy phong trào cách mạng trong toàn tỉnh, nhất là giai đoạn cách mạng 1939-1945. Đây là bước chuẩn bị thực lực cho khởi nghĩa giành chính quyền. Từ ngày 17 đến 24/8/1945, nhân dân Mỹ Đức dưới sự lãnh đạo của đồng chí Bùi Quang Tạo huyện nhà đã giành được chính quyền. Ngày 18/8/1945, lực lượng vũ trang tuyên truyền của huyện đã lãnh đạo quần chúng mít tinh biểu dương lực lượng, tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời do đồng chí Vũ Song làm Chủ tịch.

 Ngày 21/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện được thành lập gồm một số đồng chí ủy viên, đồng chí Hoàng Ngọc Vân (tức Chỉnh) được bầu làm Chủ tịch. Như vậy chỉ trong 1 tuần lễ, dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh do tổ chức Đảng địa phương trực tiếp chỉ đạo đã nhất tề nổi dậy, khởi nghĩa giành chính quyền hoàn toàn thắng lợi, cùng cả tỉnh, cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Tháng 10/1945, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, đồng chí Trương Thị Mỹ đã kết nạp 03 đồng chí vào Đảng ở đội công tác huyện là Hoàng Ngọc Vân, Vũ Song và Lại Văn Tuệ, thành lập chi bộ cơ quan Huyện Việt Minh hay còn gọi là chi bộ đội công tác Huyện do đồng chí Trương Thị Mỹ làm Bí thư. Đến cuối năm 1945, Tỉnh ủy cử đồng chí Vũ Song làm Bí thư. Tháng 6/1946, Ban cán sự Đảng huyện Mỹ Đức ra đời với 06 đồng chí, đồng chí Vũ Song làm Bí thư. Tháng 9/1946, Ban cán sự Huyện Mỹ Đức chuyển thành Ban Huyện ủy lâm thời, đồng chí Vũ Song tiếp tục làm Bí thư, đồng chí Lại Văn Tuệ làm Phó Bí thư.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng và công tác xây dựng tổ chức Đảng, toàn huyện đã có 411 đảng viên trong đó 195 đảng viên chính thức. Trước tình hình đó, tháng 11/1947, Đảng bộ huyện Mỹ Đức tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ nhất, tại đình thôn Hanh Lợi, xã Hồng Sơn và bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ huyện với 9 đồng chí. Đồng chí Trịnh Huy Đoan được bầu làm Bí thư. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng đã đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ huyện Mỹ Đức.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện Mỹ Đức đã lãnh đạo nhân dân trong huyện tiếp tục đứng lên kháng chiến chống Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng Mỹ Đức, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với nhân dân cả tỉnh, cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Có thể nói, ra đời trong điều kiện vô cùng khó khăn, liên lạc với cấp trên nhiều lúc bị gián đoạn, lại chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, Chi bộ Đốc Tín đã khéo lợi dụng khả năng hợp pháp, nửa hợp pháp trong cao trào vận động dân chủ, nhen nhóm phong trào, tập hợp lực lượng, hình thành hệ thống các cơ sở Đảng và quần chúng cách mạng sâu rộng, cùng với việc phát triển các hội, đoàn của quần chúng cách mạng, thu hút hàng trăm người tham gia hoạt động tích cực ở các vùng trong huyện.

Sự ra đời của Chi bộ Đốc Tín là kết quả của tinh thần yêu nước và nhiệt huyết cách mạng của một số cán bộ, quần chúng ở địa phương trong giai đoạn mở đầu cuộc vận động dân tộc, dân chủ đã quy tụ được các tầng lớp nhân dân, hướng họ đến mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc. Như vậy, Chi bộ Đốc Tín - chi bộ đầu tiên của huyện Mỹ Đức được ra đời là yếu tố quan trọng góp phần tích cực vào quá trình xây dựng Đảng bộ tỉnh Hà Đông.

Tự hào kỷ niệm 80 năm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên - tiền thân của Đảng bộ huyện Mỹ Đức ngày nay. Trải qua 80 năm phấn đấu và trưởng thành với 23 kỳ Đại hội Đảng bộ, từ một chi bộ tiền thân lúc đầu chỉ có 3 đảng viên đến nay Đảng bộ huyện đã có 52 Đảng bộ, chi bộ trực thuộc với trên 8000 đảng viên.

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện cần phát huy tốt truyền thống yêu nước, tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ và các chi bộ. Muốn vậy, Ban chấp hành, Ban Thường vụ và từng thành viên cấp ủy phải thực sự đoàn kết, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, thực hiện nghiêm quy chế làm việc và mối quan hệ công tác, các quy định của Đảng, Nhà nước. Làm tốt công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, không lùi bước trước mọi khó khăn, gian khổ, toàn tâm, toàn ý vì sự phát triển của quê hương.

Đặng Văn Cảnh - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy