Tin mới Tin mới

Nét đẹp hội Chùa Cao
Ngày đăng 19/02/2019 | 12:16  | View count: 5099

Hàng năm mỗi độ xuân về, khi tiết trời mát mẻ, đào mai khoe sắc thắm, gió xuân ấp áp chan hòa thổi về hòa cùng ánh nắng ban mai trải đều trên khắp quê hương đất Việt. Đất nước vào xuân, đồng thời cũng là mùa của Lễ hội, mùa của niềm tin, ước mơ, hi vọng. Hòa trong không khí của niềm vui ấy, chùa Bàn Long xã Hồng Sơn cũng tưng bừng khai hội Chùa Cao - Quán Thế Âm truyền thống đầu xuân, để đón chào quý khách thập phương về trẩy hội sau một năm lao động vất vả để thả hồn theo nhịp bước du xuân hòa nhập vào thiên nhiên trời mây non nước.

Xung quanh nơi tọa lạc của chùa Cao là một không gian sinh thái và tâm linh bao la, huyền ảo, phía dưới còn có chùa Kim Cương, lầu Di Lặc, chùa Bồ Đề…soi bóng xuống hồ Bát Nhã và cánh đồng lúa hai mùa trĩu hạt. Đường lên chùa Cao mấy trăm bậc đá, tự nhiên, uốn lượn, lúc bên vách núi, lúc luồn trong thung, hoa rừng ngào ngạt. Chùa ngự trên đỉnh núi ở độ cao 300m, mặt nhìn về “Nam Thiên Đệ Nhất Động”, tả hữu đều có trấn sơn: tả là núi Bàn Cờ, hữu là núi có động Bồng Lai.  

Căn cứ vào bia ký và truyền thuyết dân gian thì Chùa Cao được khởi dựng vào thời tiền Lê (1460 -1497). Sư tổ khởi lập là thiền sư Thích Thanh Quang, tên thật là Trần Viên Quang. Ngài là viên quan trọng triều nhà Lê, treo ấn từ quan để đi tu. Trên đường vân du qua dãy núi Phổ Đà, ngài gặp nhiều vượng khí thoát lên, quang cảnh lại sơn  thủy hữu tình, trên thì núi xanh cao vời vợi, dưới thì sông nước mênh mang, cánh đồng bát ngát, dân cư thuần tục… Ngài bèn dừng lại, cùng dân bản địa lập thảo am tu lập, sau mới xây cất thành chùa làm nơi cho chư tăng, phật tử quy ngưỡng, cầu nguyện quốc thái dân an.

Chùa Quán Âm ngự tại chân núi đã được trùng tu

Kháng chiến chống Pháp, chùa Cao được dùng làm nơi cất giấu kho bạc của nhà nước. Năm 1950 cả vùng quanh chùa bị Pháp chiềm đóng, lập vành đai trắng, dân làng phải tản cư ra vùng kháng chiến. Hòa bình lập lại, năm 1954 nhân dân hồi cư trở về làng cũ, thấy cảnh hoang tàn đổ nát, mới thu nhặt gỗ lạt, rước tượng Phật, tượng Tổ xuống thờ tạm dưới đình làng và cử vãi lên trong nom chùa. Năm 1993, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, nhân dân làng Vĩnh An góp tiền, góp của trùng tu lại chùa, đồng thời cung thỉnh thiền sư Thích Chí Thìn từ chốn tổ chùa Hương ra tác phúc. Ngày 11 - 03 năm Quý Dậu (1993) sư thầy đặt viên gạch đầu tiên xây dựng lại ngôi Tam Bảo, từ đó khách thập phương nhiều người đã đem tâm về công đức. Đến ngày 11- 03 năm Đinh Sửu (1997), ngôi Tam Bảo được khánh thành, tượng Quan Âm Bồ Tát cao 11m được dựng lên trước sân chùa, bài trí thêm bình phong, bể cảnh, đoạn đường cheo leo từ dưới chân núi lên chùa cũng được mở rộng, điện sáng kéo lên…Từ đây khu thắng cảnh chùa Cao trở nên lung linh huyền diệu. Từ năm 2007 đến nay, Đại đức Thích Minh Huyền - nay trụ trì Chùa Cao, cùng với chính quyền địa phương, nhân dân và phật tử bốn phương phát tâm quy hoạch khuôn viên và trùng tu các công trình trên chùa Bàn Long, ngôi Tổ Đường - Điện Mẫu, mở đường cho phật tử và du khách thập phương đến thăm quan…. Ngoài việc trùng tu xây dựng cơ sở vật chất nơi thờ tự, sinh hoạt làm nơi tu học hành đạo còn chú trọng công tác Phật sự như: phục vụ tín ngưỡng, tổ chức Lễ hội, gậy dựng đạo tràng, hoằng dương phật pháp, từ thiện xã hội, tiếp đón tăng ni phật tử thiện tín thập phương về tham quan chiêm bái thành tích…

Đại Đức Thích Minh Huyền - Trụ trì Chùa Cao

Tiếp nối truyền thống xưa, Lễ hội Chùa cao ngày nay được cử hành nghiêm trang trọng thể tại Chùa Quán Âm, bằng nghi lễ khia xuân, cáo yết trời phật, cầu nguyện Quốc thái dân an. Để bà con nhân dân khắp nơi về du xuân trảy hội, sau đó mới xuống đồng lao động sản xuất, công nhân viên chức đến các công sở làm việc, người chiến sỹ ra quân bảo vệ Tổ quốc, học sinh học tập, người lớn công tác làm ăn buôn bán trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Do vậy lễ hội xuân Chùa Cao cùng chính là lễ xuống đồng, lễ ra quân khởi điểm của năm mới tốt đẹp, vạn sự cát tường như ý. Được khai mạc vào ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm và kéo dài 3 tháng mùa xuân, Quần thể Chùa Cao không chỉ là nơi có danh lam thắng cảnh, non xanh nước biếc, bầu trời cảnh phật mà còn là khu vực có hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú đa dạng. Du khách mỗi khi về đây vãn cảnh không chỉ đơn thuần nhìn ngắm hình sông thế núi, bầu trời cảnh phật mà còn cảm nhận được giá trị thực của cuộc sống qua bàn tay lao động của người Việt từ ngàn xưa. Nết đẹp trong Lễ hội Chùa Cao đầu xuân ngày nay đã kế thừa và phát huy được những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa tâm linh lúa nước từ ngãn xưa truyền lại.

Chùa Cao trên ngút ngàn đỉnh núi, sớm sớm, chiều hôm vang vọng tiếng chuông ngân thông hòa tam giới và điểm tô cho vùng đất phật Hương Sơn, chốn kỳ quan thiên nhiên, văn hóa, tâm linh của người Việt Nam. Về với Chùa Cao - xã Hồng Sơn đầu xuân là về với lễ hội tín ngưỡng văn hóa tâm linh tôn nghiêm nơi cửa phật, nơi linh thiêng giao hòa giữa thiên nhiên trời đất, để có chuyến du xuân trảy hội an lạc.

Thúy Huyền