Tin mới Tin mới

Mỹ Đức: Hiệu quả kinh tế cao từ các mô hình Khuyến nông
Ngày đăng 28/12/2016 | 08:16  | View count: 1121

Mỹ Đức là huyện thuần nông, có tổng diện tích tự nhiên là 23.000ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp là 21.940,2ha. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước xây dựng mở rộng vùng sản xuất theo hướng hàng hóa bền vững và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

 

Những năm qua, từ nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Thành phố, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và UBND huyện Mỹ Đức, nhiều mô hình trình diễn khuyến nông được thực hiện đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cách nuôi trồng truyền thống. Trong năm 2016, huyện Mỹ Đức đã triển khai mô hình trình diễn Nuôi thủy sản theo hướng ATSH tại xã Hương Sơn, chăn nuôi dê sinh sản tại xã Hùng Tiến, tăng vụ khoai tây trên đất 2 lúa tại xã Phúc Lâm và Mỹ Thành bước đầu cho kết quả đáng phấn khởi.

Để đảm bảo kế hoạch sản xuất mô hình khuyến nông đạt hiệu quả cao nhất, Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Đức đã phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn tiến hành khảo sát chọn hộ tham gia xây dựng mô hình và tổ chức ký hợp đồng thực hiện mô hình với HTX và các nhóm hộ kịp thời; tổ chức tập huấn kỹ thuật và cấp phát quy trình kỹ thuật cho 100% các hộ tham gia mô hình khuyến nông, cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn chỉ đạo kỹ thuật, kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi.

Mô hình nuôi cá rô phi tại Hương Sơn

Đối với mô hình nuôi thủy sản theo hướng ATSH được triển khai tại 8 hộ gia đình của xã Hương Sơn, với 72.000 con cá giống rô phi Novit và 48.000 con cá chép V1. Sau hơn 6 tháng nuôi, cá sinh trưởng và phát triển tốt, khoẻ mạnh, không bị dịch bệnh. Tỷ lệ nuôi sống từ 80 - 90%, trọng lượng trung bình đạt khoảng 0,6kg/con. Qua hạch toán kinh tế, sau khi trừ hết các khoản chi phí, người nuôi cá thu lãi khoảng 73 triệu đồng/ha mặt nước cao hơn so với các hộ nuôi cá thông thường tại địa phương chỉ 25 triệu đến 30 triệu/ha. Đặc biệt, mô hình được xử lý phế phẩm sinh học xuyên suốt quá trình nuôi nên nước thải cuối vụ khi xả ra không gây ô nhiễm môi trường xung quanh và hơn nữa là tạo ra được sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường.

Vụ đông 2016, trên diện tích 10 ha tại xã Mỹ Thành và Phúc Lâm, Trạm khuyến nông phối hợp với 2 HTX nông nghiệp cho triển khai mô hình trình diễn giống khoai tây Đức (Solara) trên đất 2 lúa. Theo đồng chí Phạm Quý Ba - Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Phúc Lâm cho biết: Sau thời gian gần 2 tháng trồng thí điểm cho thấy, trồng khoai tây làm đất có phủ rơm rạ năng suất ước đạt 771kg/sào, đem lại hiệu quả kinh tế hơn trồng bằng phương pháp truyền thống là 1.616.000đ/sào. Trung bình mỗi sào khoai tây cho thu lãi khoảng 4,3 triệu đồng.  Thấy được hiệu quả từ mô hình khoai tây Solara nhiều nông dân trên địa bàn xã chúng tôi đang mong muốn,, đề nghị cung ứng giống, quy trình kỹ thuật để triển khai trồng các vụ tiếp theo tại địa phương.

Ông Nguyễn Hồng Vũ - Phó Trưởng trạm Khuyến nông Mỹ Đức cho biết: "Các mô hình trình diễn được thực hiện chủ yếu theo 3 hướng: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới để thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tốt các lợi thế so sánh của địa phương; nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế các loại cây trồng, vật nuôi; sản xuất các sản phẩm an toàn và bảo vệ môi trường. Qua đó, từng bước xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, giúp nông dân tiếp cận được những phương thức sản xuất mới có giá trị kinh tế cao và bền vững.

Mô hình nuôi dê tại xã Hùng Tiến

Mô hình “Nuôi dê lai Bách Thảo sinh sản” được xem là cách làm cho hiệu quả kinh tế cao, nguồn vốn đầu tư ít, ít công chăm sóc, khai thác được tiềm năng và thế mạnh của địa phương phù hợp với bà con nông dân nên cần được nhân rộng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Quy mô của mô hình là 56 con dê lai Bách Thảo được thực hiện tại xã Hùng Tiến với 08 hộ tham gia, với 7 dê đực và 48 dê cái, trọng lượng dê đực bình quân 30kg/con, dê cái 20kg/con. Đồng thời, các hộ tham gia được Trạm Khuyến nông hướng dẫn về quy trình kỹ thuật chăn nuôi dê như: cách làm chuồng nuôi đảm bảo cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát; cách bổ sung thức ăn tinh, lựa chọn thức ăn thô xanh theo mùa và các biện pháp vệ sinh phòng bệnh để đàn dê luôn được khỏe mạnh và có khả năng sinh sản tốt. Nhờ thực hiện tốt các khâu kỹ thuật trong quy trình nuôi, sau 9 tháng nuôi, đàn dê sinh trưởng phát triển, sinh sản tốt. Đến nay, từ đàn dê ban đầu có 5 dê lai đã đẻ được 6 dê con, trọng lượng dê sơ sinh con trung bình 2,2 kg/con. Anh Nguyễn Quang Vinh, đại diện hộ chăn nuôi dê tại xã Hùng Tiến sau 1 thời gian chăn nuôi chia sẻ kinh nghiệm: “Dê là loài dễ nuôi, sức đề kháng cao, sinh sản nhanh. Chăn nuôi dê quan trọng nhất là khâu chọn giống. Dê con khi sinh ra chọn lọc những con giống tốt để nhân giống. Vì vậy, bà con chăn nuôi cần phải chú ý tránh cho dê giao phối cận huyết cần phải thay đổi dê đực giống để tạo đời con lai có chất lượng tốt, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm”. Như vậy, bước đầu mô hình đã chuyển giao thành công kỹ thuật nuôi dê lai Bách Thảo sinh sản, từ đàn giống này sẽ là nguồn thu nhập đáng kể trong tương lai cho các hộ gia đình tham gia mô hình và tạo ra một nghề chăn nuôi dê bền vững hơn. 

Thực tế cho thấy, nhiều mô hình khuyến nông trên địa bàn huyện đã được thí điểm thành công, mang lại những hiệu quả tích cực, được thị trường đón nhận và đánh giá cao. Trong định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp huyện Mỹ Đức, các mô hình sản xuất mới sẽ tiếp tục được thực hiện, mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất an toàn sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Trong đó, chú trọng phát triển các đối tượng là sản phẩm hàng hoá chủ lực, sản phẩm đặc thù của huyện, của địa phương. Tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để xây dựng và thực hiện các mô hình chuyển giao kỹ thuật thích ứng với điều kiện khí hậu, thị trường, giúp nông dân phát triển sản xuất, tạo nguồn cung lương thực, thực phẩm tại chỗ, nâng cao thu nhập, xoá đói nghèo và làm giàu ngay trên chính những đồng đất của họ. 

Thúy Huyền