Tin mới Tin mới

Mỹ Đức thí điểm mô hình cấy lúa hàng biên tại xã Lê Thanh cho hiệu quả cao
Ngày đăng 10/06/2016 | 16:23  | View count: 1487

Vụ Xuân năm 2016, được sự giúp đỡ của Hội các ngành sinh học Hà Nội và chỉ đạo của UBND huyện Mỹ Đức, Phòng Kinh tế huyện phối hợp với HTX Nông nghiệp Lê Thanh thực hiện Mô hình Ứng dụng công nghệ cấy lúa hàng biên với qui mô 0,95 ha, trên 4 giống TBR 225, Nếp 97, RVT, Khang dân 18 tại xứ đồng Trầm Hạ Ngoài, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức.

Tổng số hộ tham gia tại là 05 hộ. Đây là công trình khoa học do nhóm tác giả Kỹ sư Chu Văn Tiệp - Trịnh Thị Thanh, Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và chuyển giao tiến bộ khoa học nông nghiệp thuộc Hội các ngành sinh học Hà Nội phát minh và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền về: "Công nghệ cấy lúa theo phương pháp mới kết hợp hiệu ứng hàng biên tối ưu với sức đẻ bông tối ưu trên khóm cho mọi giống lúa" vào tháng 9/2015, đã được ban tổ chức giải thưởng Khoa học công nghệ quốc gia VIFOTEC tặng giải nhì lĩnh vực Sinh học năm 2015 (trao giải tháng 4/2016) và đã được nhân rộng trên gần 20 tỉnh thành, trên hàng chục ngàn ha. Tại Thành phố Hà Nội, Huyện Mỹ Đức là huyện đầu tiên áp dụng phương pháp này. 

Mô hình lúa cấy hàng biên

Với phương pháp cấy 2 - 3 dảnh/khóm theo hiệu ứng hàng biên. Mật độ cấy: 19-20 khóm/m2 (khoảng cách 40x20x17cm). Lượng phân bón cho 1,0 sào:  Đạm Urê: 4,0 kg;  N-P-K Việt Nhật 12:5:10 là 16,0 kg;  Cách bón: Bón thúc đẻ nhánh sau cấy (không bón lót): 2,0 kg đạm Urê + 8,0 kg NPK. Bón đón đòng: 2,0 kg đạm Urê + 8,0 kg NPK. Trong khi đó, Ruộng cấy theo tập quán nông dân: Mật độ cấy 40-45 khóm/m2; cấy 1-2 dảnh/khóm;  Phân bón: 16 kg NPK Việt Nhật, 6 kg đạm Urê. Qua quá trình theo dõi cho thấy, Lúa cấy thưa theo phương pháp này giảm chi phí sản xuất, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cứng cây, bộ lá xanh đến khi lúa chín, ít bị bệnh khô vằn, đạo ôn, hạn chế bệnh vàng lá, sọc vi khuẩn, nâng cao năng suất, thân thiện môi trường. Cụ thể so với phương thức cấy tập quán nông dân, số hạt bình quân của bông lúa tăng 19%; số hạt chắc/bông tăng 38%; số bông/khóm tăng 2-3 lần; Năng suất tăng 14,2% (ở các xã khác cấy thử tăng bình quân trên 20%). Bên cạnh đó, lúa ít sâu bệnh, tiện chăm sóc, giảm được 50% giống; 40-50% công làm mạ, công cấy cấy; giảm 50% công và chi phí thuốc bảo vệ thực vật; tiết kiệm được 33% phân bón; hiệu quả tăng 449 nghìn đồng/sào (12,47 triệu đồng/ha) so với cấy theo tập quán thông thường.

Đoàn đại biểu đi thăm  mô hình cấy lúa hiệu ứng hàng biên tại xã Lê Thanh .

Tại hội nghị đầu bờ thực nghiệm mô hình ứng dụng công nghệ cấy lúa hàng biên sáng 10/6/ 2016, huyện Mỹ Đức, Phòng Kinh tế huyện cũng đã tổ chức cho cán bộ HTX Nông nghiệp cùng khuyến nông viên trong toàn huyện đi tham quan mô hình này. Hầu hết các hộ nông dân đều thấy hiệu quả mô hình là rõ ràng và mong muốn huyện Mỹ Đức tiếp tục nhân rộng mô hình cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên tối ưu với sức đẻ bông tối ưu trên khóm ra diện rộng, góp phần tăng năng suất, giảm cho chi phí sản xuất nông nghiệp.

Đồng chí Đặng Văn Triều phát biểu tại hội nghị đầu bờ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Đồng chí Đặng văn Triều, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy - Phó Chủ tịch UBND huyện biểu dương các HTX trong huyện đã triển khai mô hình này. Đồng chí đã khẳng định: " Đây là một  phương pháp cấy cho hiệu quả năng suất cao, giảm được chi phí sản xuất, giảm sâu bệnh và quan trọng khi áp dụng phương pháp này sẽ hướng tới một nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp sạch, mang lại kinh tế cao cho người nông dân nên trong  vụ mùa này, UBND huyện yêu cầu  Phòng Kinh tế, các ngành chức năng liên quan, HTX Nông nghiệp, Khuyến nông viên trong toàn huyện tiếp tục triển khai phương pháp cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên và để nhân rộng ra toàn huyện để từng bước hướng tới một nền nông nghiệp sạch".

Nguyễn An