TIN TỨC KHÁC TIN TỨC KHÁC

Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số Mỹ Đức
Ngày đăng 21/06/2019 | 14:10  | View count: 3901

Mỹ Đức là huyện bán sơn địa, nằm ở phía Tây nam Thành phố Hà Nội, cách trung tâm TP gần 50 km. Toàn huyện có 20 thành phần dân tộc sinh sống, đồng bào DTTS cư trú ở hầu hết các xã, thị trấn nhưng chủ yếu là tập trung ở xã miền núi An Phú.

Toàn cảnh xã An Phú từ trên cao

Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội cùng các cấp, các ngành từ thành phố đến huyện. Mỹ Đức đã triển khai thực hiện kịp thời các chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng-an ninh. Các chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi ở Mỹ Đức.

Đòn bẩy từ chính sách

An Phú là xã nghèo của huyện Mỹ Đức, từ năm 2012 đến tháng 4/2017, xã An Phú thuộc xã vùng dân tộc miền núi đặc biệt khó khăn của thành phố Hà Nội. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn khoảng 68% dân số, chủ yếu là người Mường, có  46% số hộ trong toàn xã theo đạo Thiên chúa giáo. Trước đây, cuộc sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn  do địa hình đồi núi phức tạp, điều kiện cơ sở hạ tầng kém. Hiện nay, với sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng sự cần cù, chịu khó và ý chí vươn lên thoát nghèo của đồng bào, cuộc sống mới đang hình thành ở An Phú.

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội cùng các cấp, các ngành từ thành phố đến huyện, nhiều chương trình dự án đã được đầu tư, các chính sách về dân tộc như chương trình135 của Chính phủ được quan tâm triển khai, thực hiện như: Quyết định 102/QĐ-TTg của Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn Từ năm 2015 đến năm 2018 đã thực hiện chi trả theo Quyết định 102/Q Đ-TTg cho 1.893 lượt hộ/7.519 lượt người với tổng kinh phí là 1.418.450.000 đồng. Bên cạnh đó, các chương trình, chính sách cho đồng bào DTTS nghèo triển khai kịp thời, bao gồm hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm từ năm 2015- 2018 đã mở các lớp đào tạo nghề cho hơn 800 học viên trình độ sơ cấp nghề, 180 học viên nhân cấy nghề đạt tỷ lệ 17,6% so với độ tuổi lao động, bình quân mỗi năm giải quyết trên 300 lao động có việc làm mới; Chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ y tế công tác tại vùng đặc biệt khó khăn...

Thông qua việc thực hiện các chính sách về phát triển sản xuất, trình độ sản xuất, canh tác của người dân đã nâng lên rõ rệt và biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện miền núi. Điển hình là An Phú, hiện nay, bà con các dân tộc đã yên tâm sản xuất 2 vụ lúa, năng suất cao. Những xứ đồng úng trũng, bà con đã cấy 1 vụ lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi lợn, gia súc gia cầm, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển từ cấy lúa sang trồng sen … Cơ cấu cây trồng vật nuôi có chuyển biến rõ nét, có nhiều mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng sen kết hợp với nuôi trồng thủy sản phát triển du lịch, chăn nuôi dê. Những rừng keo đến tuổi thu hoạch bạt ngàn trên các triền núi, cùng với những trang trại, nông trại nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi dưới chân núi thực sự đã là cây con xóa nghèo, làm giàu cho nhiều hộ.

Kinh tế - xã hội khởi sắc, đời sống đồng bào dân tộc nâng cao

Xác định công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Huyện ủy Mỹ Đức đã ban hành các nghị quyết, UBND huyện đã ban hành các đề án đẩy mạnh chương trình xóa đói giảm nghèotheo từng giai đoạn. Đẩy mạnh tuyên truyền công tác giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong việc giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo. Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phong tục sản xuất như chăn nuôi bò sinh sản, bò thương phẩm. Trồng cây ăn quả, trồng hoa sen kết hợp với nuôi trồng thủy sản phát triển du lịch sinh thái. Vì vậy, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân mỗi năm từ 4 - 5%.

Mô hình trồng sen kết hợp với du lịch ở An Phú đang là hướng phát triển mới cho người dân

Theo tiêu chí nghèo đa chiều mới thành phố Hà Nội, số hộ nghèo đầu năm 2016 là 710 hộ, tỷ lệ 38,4%;  đến cuối năm 2018 còn 276 hộ, tỷ lệ 12,9%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 13,9 triệu, năm 2018 là 22,56 triệu, tăng 8,66 triệu so với năm 2015. Đến nay, về cơ bản toàn xã An Phú không còn hộ dân ở nhà tạm, nhà dột nát.

Cùng với các cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, xóa đói giảm nghèo, trong 5 năm qua Mỹ Đức đã có 13/27 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được bố trí kế hoạch vốn với tổng kinh phí là 141 tỷ đồng theo Kế hoạch 138/KH-UBND ngày 15/7/2016 của UBND Thành phố. Từ đó giúp cho bộ mặt nông thôn miền núi Mỹ Đức có nhiều khởi sắc. Đa số các hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia, các công trình trường học kiên cố khang trang sạch đẹp, hệ thống giao thông thủy lợi cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực tế tại các địa phương.

Kinh tế phát triển, nhân dân trên địa bàn Mỹ Đức có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới.  Mặc dù xuất phát điểm còn thấp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, đồng lòng của nhân dân, đến nay, toàn huyện đã có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã miền núi An Phú đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới với tổng kinh phí chi là 158 tỷ 292 triệu đồng.

Vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM cán bộ và nhân dân các địa phương trên địa bàn huyện Mỹ Đức đã luôn quan tâm, chăm lo cho lĩnh vực giáo dục, văn hóa xã hội để nâng cao trình độ dân trí và đời sống tinh thần cho nhân dân. Giáo dục và đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả tốt. Quy hoạch mạng lưới trường lớp được sắp xếp, tổ chức ngày càng hợp lý đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh. Cơ sở vật chất trường học ngày càng được chăm lo, đa số các trường học đều có cơ sở vật chất kiên cố, trang thiết bị dạy học từng bước quy chuẩn, đảm bảo điều kiện cho dạy và học. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được quan tâm thực hiện. Hệ thống cơ sở hạ tầng ngành y tế từng bước được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả. Chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế từng bước được cải thiện. Thực hiện tốt công tác phòng chống, không để phát sinh các dịch bệnh trên địa bàn. Công tác dân số - gia đình và trẻ em được triển khai bằng nhiều biện pháp và đã đem lại kết quả thiết thực. Các hoạt động tuyên truyền về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được tổ chức thường xuyên.

Các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông thực hiện ngày càng sâu rộng. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đạt nhiều kết quả tốt.   Đến nay toàn xã An Phú có 92% số hộ đạt Gia đình văn hóa; 10/13 thôn được công nhận Làng văn hóa chiếm 77%; 13/13 thôn đã xây dựng và thực hiện quy ước Làng văn hóa đạt 100%.  Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, nhất là triển khai thực hiện Đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sác văn hóa dân tộc thiểu số xã An Phú - huyện Mỹ Đức giai đoạn 2016 - 2020". Đến hết năm 2018 đã thành lập 6 đội cồng chiêng, 2 đội nhạc cụ dân tộc, 2 Câu lạc bộ hát dân ca Mường được duy trì hoạt động thường xuyên. Các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị được tổ chức thực hiện tốt. Cùng với bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, phong trào già làng làm nhiều việc tốt ngày càng được nhân rộng, việc thực hiện các chính sách đối với 13 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện luôn được quan tâm.

Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng trong hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2017

Những thành tựu quan trong trọng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh ở xã An Phú có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ngoài các chế độ chính sách quan tâm đặc biệt của đảng nhà nước có tham mưu tích cực của các phòng ban chuyên môn và sự nỗ lực của người dân góp phần thay đổi bản làng ở Mỹ Đức. Với những kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc miền núi trên địa bàn trong thời gian vừa qua ở Mỹ Đức được cấp ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng chặng đường phía trước sẽ còn nhiều khó khăn, do xuất phát điểm của nền kinh tế huyện nhà còn thấp, trình độ dân trí không đồng đều và thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn, thiếu việc làm ... Với chủ đề "Các dân tộc huyện Mỹ Đức đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển tập trung giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới", Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2019 huyện Mỹ Đức luôn xác định với nhiều cơ chế đặc thù quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với chính sách dân tộc miền núi và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy chính quyền địa phương, người dân ở Mỹ Đức, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở xã miền núi An Phú sẽ nỗ lực để xóa đói giảm nghèo, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi ở Mỹ Đức. Từ đó để cán bộ và nhân dân huyện Mỹ Đức thực hiện tốt hơn nữa các chương trình mục tiêu quốc gia  xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đồng thời góp phần phấn đấu đưa Mỹ Đức trở thành huyện có nền kinh tế phát triển năng động của các huyện phía Tây Nam Thủ đô.

Thúy Huyền - Hữu Khánh