kinh tế - chính trị kinh tế - chính trị

Các mô hình khuyến nông năm 2020 trên địa bàn huyện Mỹ Đức đem lại hiệu quả kinh tế cao
Ngày đăng 14/09/2020 | 16:51  | View count: 1336

Sáng ngày 14/9, Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Đức tổ chức Hội nghị thăm quan, tổng kết mô hình khuyến nông năm 2020. Tới dự có lãnh đạo Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm khuyến nông huyện, các doanh nghiệp cung ứng giống, các đồng chí Chủ nhiệm HTX nông nghiệp các xã, thị trấn trong toàn huyện cùng các hộ dân tham gia mô hình.

Năm 2020, được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Huyện ủy - UBND huyện, Trạm khuyến nông huyện phối hợp với HTX NN Hợp Tiến, Tuy Lai, Thị trấn Đại Nghĩa, Đại Hưng, An Phú, Hương Sơn để triển khai thực hiện các mô hình: Trình diễn các giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, chăn nuôi bò sinh sản hỗ trợ hộ nghèo miền núi, nuôi thủy sản theo hướng Vietgap, chăn nuôi dê sinh sản dưới tán rừng và vùng đệm...bước đầu đã cho kết quả tốt.

Quá trình triển khai mô hình Trạm khuyến nông đã phối hợp với các HTXNN tổ chức tập huấn và cấp phát quy trình kỹ thuật cho 100% hộ tham gia mô hình khuyến nông, cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn hướng dẫn và kiểm tra kịp thời.

Với mô hình trình diễn giống lúa lai F1 MHC2, được triển khai thực hiện tại xã Hợp Tiến với 91 hộ tham gia trên tổng quy mô 10ha. Đây là giống lúa mới năng suất, chất lượng có nhiều ưu điểm như cứng cây và gọn khóm, đẻ nhánh khá và tập trung, chống đổ tốt, bông to, nhiều hạt chắc. Thời gian sinh trưởng vụ mùa là 105 ngày, năng suất đạt 71,4 tạ/ha, chất lượng gạo trắng trong, cơm mềm, vị đậm, đây là giống lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản hỗ trợ hộ nghèo miền núi năm 2019 – 2020 được triển khai thực hiện tại 27 hộ nghèo thuộc xã An Phú với quy mô 27 con là giống bò cái Laisind, Lai Brahman. Đến thăm quan tại các hộ, hiện tất cả số bò sinh trưởng và phát triển tốt, 25 con đã được phối, trong đó có 1 con đã đẻ. Sau thời gian thực hiện từ tháng 4/2019 bò cái bình quân lúc cấp mới chỉ đạt 180kg/con, đến nay đã đạt khối lượng bình quân 248kg/con. Với mô hình này đã giải quyết việc làm cho các hộ nghèo, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào dân tộc.

Với mô hình nuôi thủy sản theo hướng Vietgap là nuôi cá chép giống V1, quy mô 5ha tại các xã Tuy Lai, Đại Hưng và Thị trấn Đại Nghĩa, được thực hiện từ tháng 5/2020 đến 12/2020. Sau thời gian nuôi cá giống sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay trọng lượng cá bình quân tại xã Tuy Lai là 7-9 con/kg, Thị trấn Đại Nghĩa là 4-6 con/kg, Đại Hưng là 3 con/kg. Tỷ lệ nuôi sống ước đạt 99,5%. Mô hình này đã phát huy được tiềm năng lợi thế của vùng, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho người nuôi, ý thức quản lý môi trường nước trong nuôi thủy sản, phát triển ngành nuôi thủy sản bền vững.

Thăm quan mô hình chăn nuôi giống dê cái Bách Thảo và dê đực Boerlai tại xã An Phú và xã Hương Sơn, với quy mô 165 con, 15 hộ tham gia đã thực hiện đúng quy trình và tuân thủ các yêu cầu mô hình đề ra. Hiện tại, đàn dê sinh trưởng tốt, trong đó tỷ lệ nuôi sống là 98,2%, số dê có chửa đạt trên 50%. Trọng lượng dê cái bình quân lúc cấp là 20kg/con, dê đực 30kg/con đến thời điểm này trọng lượng mỗi con đều tăng thêm từ 5 đến 9kg. Với mô hình phát triển nghề chăn nuôi dê rất phù hợp tại địa bàn 2 xã Hương Sơn và An Phú, khai thác được vùng rừng, vùng đệm, cải thiện đời sống nhân dân làm nghề rừng, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa của địa phương.

Bà Trần Thị Toan - Trạm trưởng trạm Khuyến nông huyện Mỹ Đức cho biết: Với kết quả bước đầu của các mô hình khuyến nông trên địa bàn huyện Mỹ Đức năm 2020 đã góp phần tạo được hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần vào sự nghiệp Công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân. Góp phần thiết thực vào xây dựng và phát triển nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.

Thúy Huyền - Hữu Khánh