kinh tế - chính trị kinh tế - chính trị

Hiệu quả từ các mô hình khuyến nông trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản
Ngày đăng 24/10/2018 | 15:56  | View count: 5736

Năm 2018, được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông thành phố Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Đức tiếp tục phối hợp với các xã Hương Sơn, Đại Nghĩa, An Tiến và Hợp Tiến triển khai các các mô hình khuyến nông ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi lợn, nuôi gà thả vườn, nuôi tôm càng xanh đực và nuôi cá rô phi bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Để đánh giá thực tiễn hiệu quả của các mô hình, Sáng ngày 23/10/2018, Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Đức đã tổ chức hội nghị thăm quan mô hình khuyến nông trong chăn nuôi gia súc gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện và đua các đại biểu đi thăm quan các mô hình để học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Để triển khai mô hình đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, Trạm khuyến nông huyện đã tiến hành khảo sát và lựa chọn nhiều mô hình trình diễn phù hợp với tập quán sản xuất của người nông dân, tổ chức cho nông dân tham quan, học tập các mô hình sản xuất tiên tiến và hướng dẫn những kỹ thuật mới để giúp người dân triển khai hiệu quả mô hình.

Đối với mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà thả vườn với qui mô 10.000 con; thực hiện tại 2 xã Hương Sơn và Hợp Tiến với 11 hộ tham gia. Thời gian thực hiện từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2018. Giống gà nuôi là gà Mía. Bắt đầu cấp giống khi gà được 1 ngày tuổi. Sau 7 tháng thực hiện mô hình, đến nay, 10 000 con gà mía vẫn còn đủ. Gà sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, an toàn về dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi. Trọng lượng gà khoảng 2 – 2,2 kg/ con. Dự kiến 10 000 con gà mía trừ chi phí giống, thức ăn và công chăm sóc sẽ cho thu lãi khoảng 280.070.000 đ (tương đương  khoảng 28.000đ/con gà).

Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm sử dụng thức ăn vi sinh quy mô 90 con tại xã Hương Sơn với 3 hộ tham gia thực hiện. Mô hình được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2018. Trọng lượng đàn lợn khi cấp giống là 20kg. Sau gần 5 tháng nuôi, trọng lượng của đàn lợn đạt trung bình 60 – 70 kg/ một con. Cả 3 hộ chăn  nuôi lợn thương phẩm đều có ý thức cao trong chăn nuôi và tuân thủ các yêu cầu của mô hình đề ra. Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm sử dụng thức ăn vi sinh giúp cho đàn lợn sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, tỷ lệ sống đạt 100%, an toàn dịch bệnh, chất lượng thịt thơm, ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với ngườu tiêu dùng. Dự kiến khi  kết thúc mô hình vào tháng 12 thì 90 con lợn thương phẩm này sẽ cho thu lãi khoảng triên 61 triệu đồng.

Mô hình nuôi cá rô phi tại hộ ông Nguyễn Văn Thể - Thôn An Đà - xã An Tiến

Mô hình ứng dụng côn nghệ sinh học trong nuôi cá rô phi với quy mô 2 ha, thực hiện tại 2 hộ gia đình của xã An Tiến. Mô hình bắt đầu thực hiện từ tháng 4 đến tháng 11 năm 2018. Cỡ cá 6-8 cm/ con. Trong quá trình thực hiện, Cán bộ trạm khuyến nông của huyện thường xuyên xuống hướng dẫn các hộ duy trì mực nước ao phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cá, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, bổ sung kịp thời các loại Vitamin C và men tiêu hóa giúp cho cá tăng cường sức đề kháng, sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 5 tháng nuôi, Cá Rô phi tại hai ao nuôi đều sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, to đồng đều, không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ sống đạt 91 %, năng suất ước đạt 19 – 20 tấn/ha.

Mô hình nuôi tôm càng xanh siêu đực có quy mô 1 ha tại Thị Trấn Đại Nghĩa với 1 hộ tham gia. Mô hình được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 11 năm 2018. Tôm càng xanh siêu đực là loài thủy sản có thịt thơm, ngon và có giá trị kinh tế cao. Giá tôm trung bình dao động từ 200 – 250 nghìn đồng/ 1 kg tùy cỡ tôm, có lúc giá tôm lên tới 300 000đ/ 1 kg. Nuôi tôm càng xanh siêu đực có sử dụng thức ăn vi sinh vừa giúp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng thịt ngon vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Dự kiến mô hình nuôi tôm càng xanh siêu đực cho thu lãi từ 90 – 100 triệu đồng/ ha.

Bà Trần Thị Toan – Trưởng Trạm Khuyến nông huyện phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị thăm quan các mô hình khuyến nông năm 2018, Bà Trần Thị Toan - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Đức đã khẳng định: “Qua khảo sát thực tế, cả 4 mô hình khuyến nông được triển khai trên địa bàn huyện Mỹ Đức trong thời gian qua đều cho hiệu quả kinh tế cao và có thể nhân rộng trong toàn huyện. Kết quả này đã tạo được hướng đi mới trong chuyển dịch co cấu kinh tế trong ngành nông nghiệp của huyện Mỹ Đức. Để các mô hình khuyến nông có thể được nhân rộng tại các địa phương, Trạm khuyến nông huyện đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ kinh phí để huyện tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng các chế phẩm sinh hoc, sử dụng thức ăn vi sinh mới trong chăn nuôi các giống vật nuôi có tiềm năng, năng suất cao để nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo; đề nghị các xã, thị trấn, các HTX NN và các khuyến nông viên trong toàn huyện nên quy hoạch gọn vùng và chăn nuôi tập trung;  tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân sử dụng các chế phẩm sinh học,  thức ăn vi sinh trong chăn nuôi; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăn sóc theo hướng dẫn của trung tâm khuyến nông thành phố và của trạm khuyến nông huyện  nhằm tăng thu nhập cho các hộ nâng dân và tăng giá trị thu nhập trong sản xuất nông nghiệp. Đồng chí cũng đề nghị chính quyền các xã, thị trấn và các HTX NN trong huyện chủ động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để hỗ trợ tiêu thụ nông sản của người dân, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, có như vậy sản xuất nông nghiệp ở địa phương mới hiệu quả và bền vững”.

Thu An - Lê Quí