hoạt động huyện hoạt động huyện

Triển khai mô hình máy cấy lúa mùa năm 2019
Ngày đăng 27/06/2019 | 10:42  | View count: 3689

Thực hiện chủ trương của huyện Mỹ Đức, Đảng ủy, chính quyền xã Lê Thanh về thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp, vụ Mùa năm 2019, HTX NN xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức - TP. Hà Nội) đã phối hợp với HTX NN xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa – TP. Hà Nội) triển khai thí điểm mô hình cấy máy theo phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên.

Mô hình được thực hiện tại xứ đồng Ngói ngoài của đội 1 thôn Lê Xá và đội 9 thôn Đức Thụ - xã Lê Thanh gồm 23 hộ tham gia với diện tích 4,3ha. Mô hình được ứng dụng đối với giống lúa nếp 97 và thiên ưu 8, thực hiện theo phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên với mật độ cấy 18 - 24 khóm/1m2, cây cách cây 17cm, hàng sông nhỏ 25cm, hàng sông lớn 42cm. Số rảnh trên khóm từ 3 - 5 rảnh. Chi phí cho một sào cấy máy là 240 nghìn đồng/sào bao gồm cả giống lúa, gieo mạ và công cấy. Bình quân máy cấy 15 -20 phút xong 1 sào, lượng giống khoảng 0,8kg/sào. Tại vụ mùa này, nông dân Mỹ Đức nói chung và nông dân xã Lê Thanh nói riêng phải thuê công cấy từ 370 - 450.000đ/người/ngày, đặc biệt vào ngày nắng nóng gay gắt từ 38 - 40oC, giá thuê một công cấy cho một ngày lên đến 450 - 500.000đ/ ngày. Người cấy nhanh thì xong 1,3 sào/ngày. Người cấy chậm thì chưa chắc đã xong một sào. Trong khi đó, giá thuê cấy bằng máy cho 1 sào ruộng chỉ có 240.000đ/sào. Giá thành khá là rẻ so với cấy lúa theo phương pháp thủ công. Như vậy, việc đưa máy cấy vào sản xuất nông nghiệp thực sự là một giải pháp tối ưu, giảm chi phí sản xuất, giảm sức lao động cho xã viên, vừa giúp cho nông dân nhàn hạ hơn so với cấy lúa thủ công. Đây là một trong những giải pháp thiết thực, giúp cho nông dân thêm yêu nghề nông, không bỏ ruộng. 

Theo đồng chí Phạm Văn Hai - Giám đốc HTX NN Lê Thanh cho biết: “Để triển khai thành công mô hình này, HTX đã mời lãnh đạo xã và cán bộ chủ chốt các ban ngành đoàn thể từ xã đến thôn đi thăm quan mô hình máy cấy tại HTX NN Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa). Sau đó mở hội nghị họp bàn công khai trước dân, mời lãnh đạo xã, cán bộ các ban ngành đoàn thể, cán bộ chủ chốt các thôn và mời điểm các hộ xã viên có ruộng thuộc xứ đồng Ngói ngoài (xã Lê Thanh) tham dự hội nghị để phổ biên chương trình cấy máy, hợp bàn, thảo luận công khai trước dân và ký cam kết thực hiện mô hình. Nhờ vậy, chương trình đã nhận được sự ủng hộ rất cao của nhân dân. Sau khi thành công mô hình này, HTX NN Lê Thanh sẽ tiếp tục nhân rộng ra các xứ đồng khác và áp dụng cho những năm tiếp theo”.

Thu An