Bài viết chuyên sâu Bài viết chuyên sâu

Mừng thọ, nét đẹp văn hóa đầu Xuân
Ngày đăng 23/01/2017 | 13:50

Mỗi khi tết đến, xuân về, trên khắp mọi miền của Tổ quốc Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn đều diễn ra tưng bừng, trang trọng lễ mừng thọ các bậc cao niên. Mừng thọ là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam bởi nó thể hiện tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên. Trân trọng người cao tuổi còn là trân trọng kho kinh nghiệm sống được tích lũy qua bao năm tháng.

Người được mừng thọ không phải là người có chức tước, quyền lợi gì mà chỉ là người được hưởng tuổi "Trời cho" được cái đặc ân mà người xưa thường gọi là “Thiên tước.” Khi người già có mặt trong nhà thì con cháu thấy đó là cái phúc đức, là một kho kinh nghiệm sống để lưu truyền lại. Việc tổ chức mừng thọ là báo hiếu, là mừng cha mẹ, ông bà còn sống để mình bày tỏ sự biết ơn cha mẹ đã nuôi mình khôn lớn. Gia đình có người cao tuổi được coi là đại hồng phúc. Con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được thêm niềm vui, niềm tự hào. Chính vì vậy, việc tổ chức mừng thọ là một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng.

Ảnh minh họa

Lễ mừng thọ thường được các địa phương tổ chức vào dịp đầu năm, vì đây là thời điểm rất thích hợp, con cháu tề tựu đông đủ nhất trong năm. Trước đây, Lễ "mừng thọ " bắt đầu từ lúc 60 tuổi nhưng ngày nay, lễ mừng thọ được tổ chức dành cho những người có tuổi thọ 70, 75, 80, 85,90, 95 và 100 trở lên. Các cụ từ  có tuổi thọ từ 100 tuổi trở lên thì năm nào cũng được nhận quà mừng thọ. Lễ thượng thọ lúc 70 tuổi gọi là thượng thọ thất tuần, 80 tuổi là thượng thọ bát tuần, 90 tuổi là thượng thọ cửu tuần và tròn 100 tuổi thì ăn mừng lớn - gọi là bách tuế hay bách niên chi lão. Các cụ được quan tâm sẽ phấn khởi vì thấy rằng đã sống đến cái tuổi thấp thập cổ lai hy vẫn được con cháu yêu mến, kính trọng. Mừng thọ cũng là cách giáo dục, răn dạy con cháu bổn phận ăn ở có trước có sau với người đời, với xã hội. Đấy là truyền thống dân tộc của ta mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Ảnh minh họa: Lễ  tổ chức mừng Thọ đầu năm

Lễ mừng thọ này nhắc cho chúng ta biết cha mẹ cũng đã già, để con cái chăm sóc cha mẹ nhiều hơn. Đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", chăm sóc, phụng dưỡng người già ngày càng được nhận thức sâu sắc, mà lễ mừng thọ chỉ là một dịp để con cháu, cũng như toàn xã hội tỏ bày sự quan tâm thiết thực đến các bậc cao niên.Truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc Việt Nam đã và đang nhân lên những giá trị tinh thần quý báu, là một nét văn hóa làm phong phú thêm nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam./.

Nguyễn An