đảng - đoàn thể đảng - đoàn thể

Huyện Mỹ Đức: Tham dự hội nghị giao ban trực tuyến của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội
Ngày đăng 14/10/2024 | 17:41  | View count: 181

Chiều ngày 11/10, các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy; Uỷ viên BTV Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND; lãnh đạo một số phòng, ban và các xã, thị trấn huyện Mỹ Đức tham dự Hội nghị giao ban trực tuyến Quý III/2024 của Thường trực Thành ủy - HĐND – UBND TP Hà Nội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải.

Tham dự hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an thành phố; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai…

Dự tại điểm cầu huyện Mỹ Đức có các đồng chí Nguyễn Anh Dũng, TUV, Bí thư Huyện uỷ; đồng chí Đỗ Trung Hai, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Lê Chí Hòa, Uỷ viên BTV Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; các đồng chí Uỷ viên BTV Huyện ủy; Thường trực HĐND - UBND; đại diện các phòng ban, ngành thuộc huyện. Hội nghị được truyền trực tiếp xuống các điểm cầu các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và lãnh đạo TP chủ trì hội nghị

Hội nghị nghe báo cáo và thảo luận về 3 chủ đề chính, gồm: Thúc đẩy triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, năm 2025 và các công trình trọng điểm của TP; Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về "tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội".

Theo báo cáo tại hội nghị, sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, công tác xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội được củng cố, kiện toàn theo hướng “một việc do một cơ quan đảm nhiệm”, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm.

Đáng chú ý, phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy có nhiều đổi mới, lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo những việc lớn, việc khó, phức tạp của thành phố, tạo động lực trong toàn hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ của thành phố và địa phương, đơn vị.

Việc triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU cũng đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ, phát động các phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, xây dựng và triển khai nhiều mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Các đồng chí Thường trực Huyện ủy, Uỷ viên BTV Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND và các đại biểu dự tại điểm cầu huyện Mỹ Đức

Về kết quả triển khai Kế hoạch đầu tư công, đến ngày 25/9/2024, lũy kế giải ngân của toàn Thành phố là 29.647 tỷ đồng, đạt 36,6% kế hoạch, thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước (ước đến hết tháng 9 là 43% so với tổng kế hoạch và 47,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Nhưng về giá trị giải ngân tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước (sau Bộ Giao thông vận tải) và cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 4.588 tỷ đồng (lũy kế giải ngân kế hoạch năm 2023 đến ngày 30/9/2023 là 25.059 tỷ đồng, tương đương 47,2%).

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, qua 2 năm đã đạt được những kết quả rõ rệt.

Đáng chú ý, kết quả chuyển đổi số của Hà Nội đã bước đầu được ghi nhận, với chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá tăng 19 bậc, trong đó riêng năm 2022 đã tăng đột phá 16 bậc so với năm 2021 (đánh giá và công bố năm 2023).

Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông năm 2022 (Báo cáo Vietnam ICT Index) được công bố vào tháng 10/2023, Hà Nội xếp thứ nhất Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp công nghệ thông tin.

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, Hà Nội tiếp tục đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam. Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 của Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Hà Nội đứng thứ nhất về chỉ số Quản trị điện tử. Ngoài ra, về chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, Hà Nội xếp hạng 5 trong số các nơi có lập trình viên giỏi nhất thế giới theo đánh giá của Pentalog.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến biểu dương, ghi nhận những kết quả mà các địa phương, đơn vị đã thực hiện trong việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU; triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đối với việc tiếp tục triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Trong đó, lưu ý quán triệt 25 biểu hiện nêu trong Chỉ thị số 24-CT/TU, gắn với đánh giá cán bộ để chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu đẩy mạnh phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số, trong đó, tập trung thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội… Phấn đấu đạt tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của thành phố Hà Nội đạt 30% như Nghị quyết đã đề ra, tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp của thành phố ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tin tưởng, với những kết quả đã đạt được trong 9 tháng năm 2024, sự đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị, thành phố Hà Nội sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện