tin tức sự kiện tin tức sự kiện

Chùa Hương chuẩn bị đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt
Ngày đăng 16/09/2018 | 10:00  | View count: 2553

20h ngày 19.9.2018 tới đây, tại Đền Trình bên bờ Suối Yến, đông đảo nhân dân và Phật tử thập phương sẽ trân trọng đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt. Đây cũng là dịp chào mừng 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Chùa Hương (1958 - 2018) và 130 năm ngày thành lập huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội (1888 - 2018).

Chùa Hương trời điểm lại trời tô

Một bức tranh tình trải mấy thu

Xuân lại xuân đi không dấu vết

Ai về ai nhớ vẫn thơm tho.

Những ai đã từng đặt chân đến với chùa Hương chắc hẳn sẽ có cùng cảm xúc như thi sĩ Tản Đà. Nơi khí thiêng của đất trời và long tịnh tín cùng tụ hội, khiến cho các tao nhân mặc khách như lạc vào cõi hư không lưu luyến mãi chẳng dời. Đến với chùa Hương không chỉ một lần, nhưng mỗi lần lại một cảm xúc khác nhau, vẫn cảnh vật ấy, vẫn ngôi chùa ấy nhưng dường ta mới đến lần đầu. Phải chăng chính dòng Yến giang đã gột rửa những phiền não lo toan của cuộc sống thế tục; những tòa cổ sái nguy nga, những khối kiến trúc thấp thoáng giữa trập trùng núi non, hay những tích truyện màu nhiệm về bà chúa Ba, hay 100 con voi chầu... khiến cho ta như lạc vào thế giới Đào nguyên. Không chỉ nổi tiếng là chùa có lễ hội lớn và dài nhất Việt Nam, nơi đây còn là ngôi nhà của hàng triệu thiện tín Phật tử hành hương trảy hội khi mùa xuân đến.

Kể từ khi vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đi tuần thú phương Nam tới đây và chư tiền Tổ chống tích trượng khai sơn đến nay là cả một chặng đường dài lịch sử với biết bao công sức trùng tu, xây dựng để Hương thơm của lòng từ bi, của trí tuệ mãi tỏa ngát muôn đời.

Tượng Phật bà Chùa Hương

Dòng Yến giang không chỉ đẹp ở sự mênh mang bát ngát mà còn đẹp ở sự hiền hoà giữa hai triền núi, ngồi trên thuyền ngắm cảnh núi non, đò thuyền ra vào tấp nập, mọi người không quen nhau cũng thưa lời chào hỏi: “A di đà Phật”, tạo ra nét văn hóa riêng biệt hiếm nơi nào có được. Theo dòng thời gian, những chiếc đò gỗ năm nào đã lùi vào quá khứ, ngày nay chúng được thay bằng vật liệu bền chắc nhưng đó không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là con thuyền “Bát Nhã” chở khách hành hương đến với cõi Phật. Từ dốc Trò đi lên ngang qua nhà bia Thiên Trù (thường gọi là bia tổng đốc Hoàng Trọng Phu), là nơi lưu những minh văn quan trọng như “Trùng tu Hương Tích tự bi” do Hoàng Trọng Phu soạn năm 1924, “Thiên Trù tự bi ký” dựng năm Chính Hoà (1688). Đây là những tấm bia có giá trị ghi lại lịch sử thù thắng của nơi đây. Cổng Nam thiên môn hiện ra ngay trước mắt được dựng theo kiểu “Ngũ môn tam cấp”, đây có lẽ là công trình được phục dựng hoàn chỉnh nhất sau khi bị chiến tranh tàn phá. Đầu thế kỷ XX, Tổ Thích Thanh Quyết (1844 - 1912) - hiệu Đôn Mẫn, Đệ bát Tổ - bắt tay vào quy hoạch trùng hưng toàn bộ khu Hương - Thiên đây. Sau khi Tổ Thanh Quyết viên tịch (ngày 19 tháng 7 năm Nhâm Tý), Tổ Thích Thanh Tích (1881 - 1964) kế đăng trụ trì đời thứ 9 (Đệ cửu Tổ) tiếp nối hạnh nguyện trùng hưng của Tôn Sư còn dang dở. Tổ Thanh Tích tiếp tục việc xây dựng và hoàn thành vào những năm đầu thập kỷ 30, khi ấy nơi đây được ví như tòa lâu đài nguy nga với hàng trăm nóc. Hai tòa chung lâu và cổ các được xây dựng 2 tầng theo lối kiến trúc Đông - Tây kết hợp; bảo điện nguy nga, tại hương án tiền đường là những tự khí được chế tác tinh xảo.

Phạm vũ xưởng tân quy, Quyết chí trùng khai Tam bảo địa

Lầu đài y cựu chỉ, Thanh quang biệt chiếm nhất Nam thiên.

Đó là câu đối mà Tổ Thanh Tích dâng lên cúng dàng và tán thán Tôn Sư. Thế rồi, vào những năm 1947 - 1950 binh hoả tang thương, vật đổi sao dời, cảnh vô thường nào có ai hay. Một toà cổ sái nơi đây thành đống gạch vụn, các công trình kiến trúc bị phá hủy hoàn toàn. Ai đã từng ngắm bức ảnh cổng Nam thiên môn và hồ Song bán nguyệt sau khi chiến tranh tàn phá thật không khỏi xót xa ngậm ngùi. Song không phải vì thế mà nơi đây hương tàn khói lạnh. Từ đống tro tàn, Tổ Thích Thanh Chân (1904 - 1989) - kế đăng trụ trì đời thứ 10 - đã dựng lên dãy nhà năm gian gỗ lim (năm Mậu Tuất - 1958) để làm Chính điện thờ Phât - Tổ. Đồng thời Tổ Đệ thập cũng đã vận động tái thiết trùng tu lại ngôi Tam bảo Thiên Trù. Để rồi đến năm 1989, khi Ban xây dựng phục chế - tôn tạo chùa Hương được thành lập, Hòa thượng Thích Viên Thành (1950 - 2002) kế đăng trụ trì đời thứ 11 cùng đồ chúng đệ tử và thập phương dựng lại ngôi Tam bảo, Tổ đường, cổng Nam thiên môn... các hạng mục chùa Thiên Trù cơ bản được tái thiết phục dựng. Sau khi cố Hòa thượng Thích Viên Thành viên tịch, Thượng tọa Thích Minh Hiền kế đăng trụ trì đời thứ 12 tiếp nối công việc còn nhiều dang dở, xây dựng tôn tạo nơi đây ngày càng trang nghiêm tố hảo. Như Hương nghiêm pháp đường, lầu Tứ thiên vương, chung lâu, Quan âm kiều đến Triều sơn lộ.v.v... Chùa Giải oan - Am Phật tích hiện nay đã được trùng tu tôn tạo lại khang trang hơn rất nhiều. Cổng động Hương Tích vẫn vậy, màu đá xanh vẫn lưu dấu thưở nào, nhưng đường xuống và sân động đã được tôn tạo sửa sang để tiện cho thập phương vào lễ đức Quán âm. Bảo điện trang nghiêm, tượng Bồ tát Quán âm tọa sơn vẫn từ bi tọa trụ nơi đây, đâu đó hình bóng Chư Tổ cùng Phật tử như vẫn đang hiện hữu hành trì lễ Ngũ bách danh... văng vẳng hồng danh "Namo Quán thế âm Bồ tát".

Kể từ Tổ khai sơn đến nay, trải qua bao biến cố thăng trầm, Chư Tổ sơn môn Hương Tích vẫn nối tiếp trùng tu xây dựng và hoằng dương chính pháp; danh thắng và lễ hội chùa Hương ngày một mở rộng và phát triển trên một bình diện lớn. Khi các Tổ sư chống tích trượng, dựng thảo am ở Hương Sơn là xây dựng nơi quy ngưỡng để “Chiêm giả khởi kính” đối với ngôi Tam bảo, tô bồi nơi danh lam của đất nước cho thế nhân thưởng ngoạn. Được như vậy là đã làm tròn trọng trách giữa đạo Phật và dân tộc, giữa đạo Phật và cuộc đời. Thật đúng như câu đối tại Tổ đường Thiên Trù đã ghi:

Tổ đạo bất tuỳ thương hải biến

Sơn môn vĩnh trấn nhất Nam thiên.

Theo laodong.vn