tin tức sự kiện tin tức sự kiện

Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở
Ngày đăng 03/08/2018 | 16:59  | View count: 4614

Sau 20 năm Nghị quyết 05 TW Đảng khóa VIII (16/7/1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc ra đời, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, tác động sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nhằm nâng cao chất lượng phong trào, việc thực hiện những giải pháp phù hợp với điều kiện tại mỗi địa phương là thực sự cần thiết.

Trong thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Tại các làng, thôn, tổ dân phố là nơi triển khai các hoạt động  xã hội, lao động sản xuất làm ra của cải vật chất cho xã hội; đồng thời là nơi xây dựng con người mới đáp ứng cho thời đại mới. Đây còn là nơi vận hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống của nhân dân. Có thể nói, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống tinh thần phong phú là góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo cơ sở vững chắc cho xây dựng Nông thôn mới.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tập trung triển khai thực hiện phong trào theo lĩnh vực chuyên môn của đơn vị. Đến nay, trên địa bàn toàn huyện đã có: 46.253 gia đình đạt gia đình văn hóa – đạt 87,6%; 110 làng , 02 tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa – đạt 90,1%; 122/125 làng, tổ dân phố có nhà văn hóa – đạt 97,6 %.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được đông đảo nhân dân hưởng ứng và thực hiện; công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa được quan tâm; Phong trào văn nghệ quần chúng  phát triển mạnh mẽ; các thôn, tổ dân phố đều có sân thể thao thu hút mạnh mẽ các lứa tuổi tham gia thể dục thể thao; Thiết chế văn hóa cơ sở phát triển tốt,  hình thành nếp sống văn minh, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu.

Qua thực hiện phong trào, ý thức tự quản, tự giác chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong cộng đồng dân cư không ngừng được nâng lên; vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên được phát huy; phong trào tạo được nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần ngày càng được nâng cao. Các xã thực hiện tốt phong trào và có ý thức tự quản cao như: An Phú, Hương Sơn, Hồng Sơn, An Mỹ…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng làng, thôn, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn huyện vẫn còn những tồn tại, hạn chế  như: ở một số địa phương phong trào  chưa đi vào chiều sâu.

Để phong trào ngày càng có hiệu quả, một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phong trào như: Tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện phong trào; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh từ huyện tới cơ sở nhằm nhấn mạnh hiệu quả của phong trào tác động tích cực trên mọi mặt đời sống xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, từ đó nhân dân hăng hái tham gia thực hiện; Nêu cao vai trò tự quản của các cá nhân, hộ gia đình, khu dân cư; Biểu dương những tấm gương “Người tốt, việc tốt” trong phong trào. Đặc biệt đề cao những sáng kiến, sáng tạo trong thực hiện phong trào.

Để nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, cần quan tâm thực hiện các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Xây dựng Nông thôn mới” tiến lên xây dựng quê hương Mỹ Đức ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Lan Hương - Phòng Văn hóa và Thông tin huyện