lịch tiếp công dân lịch tiếp công dân

Người mang đến niềm vui và hy vọng cho bao người khuyết tật
Ngày đăng 22/06/2018 | 15:44  | View count: 1195

Thấm nhuần lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh : “ tàn nhưng không phế”, Anh Kim Ngọc Oánh - Chủ tịch Hội người khuyết tật xã Mỹ Thành - huyện Mỹ Đức - thành phố Hà Nội đã vượt lên số phận. Từ một người chống nạng nay anh đã trở thành “cây nạng” của nhiều người khuyết tật, mang đến niềm tin và hy vọng cho bao người khuyết tật của xã Mỹ Thành cũng như nhiều địa phương lân cận trong và ngoài huyện.

Anh Kim Ngọc Oánh, sinh năm 1965, Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con, mồ côi mẹ từ sớm, bị khuyết tật bẩm sinh liệt hẳn một bên chân, lại là anh cả trong một gia đình nghèo khó nên anh không được đi học bằng bạn, bằng bè. Mặc dù cơ thể không được lành lặn như bao người bình thường khác nhưng  anh Kim Ngọc Oánh vẫn luôn có ý thức tự lập, không ngừng nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống và trong suy nghĩ của mình anh luôn cố gắng vượt lên tật nguyền để mình sẽ không còn là gánh nặng cho gia đình.  Khi trưởng thành, anh được chị Nguyễn Thị Lợi - xã An Mỹ đem lòng yêu thương và lấy anh làm chồng. Từ đó, niềm vui và hạnh phúc của anh bắt đầu nở hoa. Chị  đã đồng cam cộng khổ cùng với anh trong mọi khó khăn thử thách, thường xuyên động viên anh cố gắng vượt lên số phận để xây đắp một gia đình hạnh phúc vững bền. 

Để không là gánh nặng cho vợ con, Anh Oánh đã bôn ba khắp mọi nơi để tìm kiếm việc làm. Nhờ đi nhiều nơi nên anh nhận thấy, các công ty may của thành phố Hà Nội có rất nhiều vải vụn bỏ đi, Anh Oánh đã quyết định thu mua lại để làm thảm lau chân. Anh đã thành công, sản phẩm của anh được thị trường chấp thuận. Đến năm 2014, Anh chính thức thành lập cơ sở sản xuất và dịch vụ may đồ bảo hộ lao động tại xã Mỹ Thành và xã Trần Đăng Ninh – huyện Ứng Hòa  chuyên làm thảm lau chân. Ban đầu xưởng của anh tạo việc làm cho 4 lao động. Đến nay, cả hai cơ sở Trần Đăng Ninh và Mỹ Thành đã tạo việc làm cho 34 lao động là người khuyết tật với mức thu nhập bình quân 1,5 – 2 triệu đồng/ người/ tháng. Không dừng lại ở đó, Năm 2016, Anh bắt đầu học thêm nghề mây tre đan, chuyên đan các giỏ hàng xuất khẩu. Vừa tìm tòi, vừa học hỏi, vừa phải đi bôn ba nhiều nơi để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, vừa đào tạo, nhân cấy nghề, giúp cho nhiều người khuyết tật cùng cảnh ngộ với mình có việc làm tăng thu nhập. Nghề mây tre đan, tạo việc làm cho 27 lao động là người khuyết tật của xã hồng Son, An Mỹ, Bột Xuyên và trung tâm bảo trợ xã hội II – Thành phố Hà Nội.  Đến nay, cả hai nghề anh đưa về đều phù hợp với khả năng của nhiều người khuyết tật nên đã giúp cho trên 60 lao động là người khuyết tât có cuộc sống tốt hơn, với mức thu nhập bình quân từ 1,5 – 2 triệu đồng/ người/ tháng. Năm 2017, anh đã xuất xưởng 70.000 chiếc thảm lau chân và hàng nghìn chiếc giỏ đựng hàng. đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng. Các sản phẩm của anh hiện đã có mặt tại các siêu thị trong nước và được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Anh Kim Ngọc Oánh dạy nghề cho người khuyết tật tại Trung Tâm bảo trợ xã hội II - Thành phố Hà Nội.

Không chỉ tạo việc làm cho người khuyết tật, lao động nông nhàn ở địa phương, ông Kim Ngọc Oánh còn trực tiếp truyền nghề cho người khuyết tật. Hiện nay, anh đang đào tạo nghề cho 40  người khuyết tật tại Trung Tâm bảo trợ xã hội II - Thành phố Hà Nội. Trò chuyện với anh Kim Ngọc Oánh cho biết: “Dù khuyết tật nhưng nhiều người có đôi tay rất khéo, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt như chị Nguyễn Thị Ứng, Nguyễn Thị Giang, Đinh Thị Thơm.. và tôi mong muốn được "chắp cánh" cho những đôi tay ấy”.

Việc làm của anh được UBND huyện Mỹ Đức, xã Mỹ Thành ghi nhận, đánh giá cao. Anh thực sự là người mang đến niềm vui và hy vọng cho bao người khuyết tật, xứng đáng là tấm gương sáng cho bao người khuyết tật học tập và noi theo. 

Thu An