kinh tế - chính trị kinh tế - chính trị

Ấm áp tình người sau chuyến đi nghiên cứu thực tế tại Mai Châu, tỉnh Hòa Bình
Ngày đăng 09/12/2015 | 15:01  | View count: 2968

Trong 2 ngày cuối tháng 9 năm 2015, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Mỹ Đức phối hợp với Trường ĐTCB Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội tổ chức cho học viên lớp Trung cấp Lý luận chính trị – hành chính (K17B–14) huyện Mỹ Đức đi nghiên cứu thực tế tại huyện Mai Châu và Thủy điện Hòa Bình của tỉnh Hòa Bình. Đây là một hoạt động trong chương trình đào tạo của Trường, giúp học viên có điều kiện thâm nhập thực tế và vận dụng những kiến thức đã học vào hoạt động thực tiễn.

Đúng 6h30, Đoàn xuất phát từ Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Mỹ Đức. Sau 4 tiếng đồng Hồ, Đoàn đã đến địa điểm tại bản Lác, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Buổi chiều, sau 2 tiếng đồng hồ làm việc với Lãnh đạo Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Mai Châu, Đoàn cùng cán bộ Trung tâm huyện đến thăm bà con vùng đồng bào dân tộc và tặng quà cho các hộ nghèo ở 03 xã Phúc Sạn, Ba Khan và Thung Khe. Đi theo trục đường chính liên xã của huyện, mặc dù mỗi xã chỉ cách nhau trên dưới 15 km, nhưng đi ô tô cũng phải mất hơn một tiếng mới tới nơi, do giao thông đi lại, đường rất hẹp lại quanh co, khúc khuỷu, gập ghềnh khó đi.

Tặng quà tại xã Ba Khan H. Mai Châu - Tỉnh Hòa Bình

Đến thăm bà con, Đoàn đã tặng 47 xuất quà trị giá bằng tiền mặt, mỗi xuất từ 500.000đ–1.000.000đ. Cùng với số tiền trên, Đoàn còn trao tặng quần áo, khăn mặt, sách vở, bút phấn cho các hộ và các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt của 3 xã. Món quà tuy nhỏ, nhưng chứa đựng một tình cảm sâu đậm, ấm áp tình nhân ái của các thầy cô giáo Trường ĐTCB Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Mỹ Đức, huyện Mai Châu và 128 học viên của lớp Trung cấp Lý luận chính trị – hành chính (K17B–14) huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đối với bà con vùng đồng bào dân tộc nơi đây.

Tại xã Thung Khe, chúng tôi được đến thăm và gặp gỡ trực tiếp gia đình ông Lò Văn Triển có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hai lao động chính là hai vợ chồng con

trai của ông phải tần tảo ngày đêm chăm lo cho 8 khẩu ăn. Bởi: "Gia đình ông Triển có 4 chị em, 3 anh chị không chồng, không vợ, đều bị bệnh tật,không lao động được, cứ ngồi và quanh quẩn ở trong túp lều tranh tre, nứa, lá lụp sụp, rộng khoảng 8 m2.

Túp lều của 3 chi em của gia đình ông Triển ở Xã Thung Khe - Huyện Mai Châu – T. Hòa Bình

Ông Triển khỏe mạnh, minh mẫn hơn thì lấy được vợ và cũng sinh được 4 người con 3 gái, 1 trai. Các con ông Triển nay cũng đã lập gia đình. 2 năm nay, ông Triển cũng bị tai biến và nằm liệt một chỗ. Vì vậy, vợ chồng con trai ông hiện nay đang phải cưu mang Bố, 3 bác ruột và 1 con trai nhỏ 3 tuổi. Gia đình cũng đã được nhận trợ cấp dành cho người tàn tật nhưng số tiền ít ỏi đó vẫn chưa đáp ứng và chưa đảm bảo được với nhu cầu của cuộc sống hiện tại".

Được đi và chứng kiến "đích mục sở thị", tôi mới cảm nhận được hết nỗi vất vả, thiếu thốn và khó khăn của bà con dân tộc nói chung, xã Thung Khe của huyện Mai Châu - tỉnh Hoà Bình nói riêng. Bởi, ngoài gia đình ông Lò Văn Triển, đời sống của bà con nơi đây còn rất gian nan, vất vả, khó khăn. Hàng năm, không có đất cấy lúa, chỉ canh tác hai loại cây chính là ngô và lạc theo 2 vụ, từ tháng 4 đến tháng 10. Khi thu hoạch xong lại phải đổi ngô, lạc để lấy gạo ăn. Việc trồng trọt, canh tác chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, mưa thuận, gió hòa thì cây ngô, cây lạc mới phát triển và có thu hoạch; ngược lại, nếu trời khô hạn thì mất mùa, thất thu. Do điều kiện kinh tế khó khăn, nên việc học hành của con em bà con nơi đây cũng cũng còn nhiều gian nan, vất vả. Hầu hết, các em học sinh nhà ở rất xa trường học, trừ một số em gia đình có điều kiện đi học bằng xe máy, xe đạp, còn lại các em đều phải dậy từ rất sớm để đi bộ, trèo đèo, lội suối từ 3–4 km để đến được trường.

Mặc dù không phải là lần đầu tiên chúng tôi đến với các dân tộc vùng cao, nhưng chuyến đi này đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc và trăn trở: "Bao giờ bà con dân tộc miền núi Việt Nam nói chung, ở huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình nói riêng hết nghèo khổ"? Thiết nghĩ, ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, mỗi chúng ta cần phải có sự sẻ chia, giúp đỡ thiết thực hơn nữa để giúp cho bà con vùng đồng bào dân tộc hiện đang sinh sống ở miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống, vượt qua cái đói, cái nghèo không chỉ về vật chất, mà cả tinh thần để có một cuộc sống khá giả và tiến bộ hơn hiện nay.

Chia tay với bà con huyện Mai Châu, Đoàn chúng tôi trở về thăm thủy điện Hòa Bình. Đến với thủy điện Hòa Bình, chúng tôi lại càng cảm phục hơn tấm long của bà con miền núi nói chung, huyện Mai Châu nói riêng, họ đã thầm lặng đóng góp một phần đáng kể để xây dựng nên nhà máy thủy điện này. Nhờ có họ mà lòng hồ rộng ra, có đủ sức chứa nước cung cấp điện năng cho 64 tỉnh thành trong cả nước, phục vụ cho sự nghiệp đổi mới đất nước từ 1994 cho đến nay. Hiện nay, thủy điện Hòa Bình vẫn là thủy điện lớn nhất của nước ta. Hiện nay, ngoài công trình Thuỷ điện

Lớp Trung cấp chính trị - hành chính K17 B – 14 Mỹ Đức

vào thăm thủy điện Hòa Bình

Hoà Bình, nước ta đã và đang xây dựng nhiều nhà máy thủy điện khác ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đến thời điểm này, Mặc dù điện cũng đã đến tới các bản làng xa xôi trên đất nước ta nhưng chúng ta vẫn phải sử dụng điện một cách tiết kiệm. Vì vậy, sau chuyến đi thực tế này, mỗi chúng ta, trước hết, 128 học viên của lớp Trung cấp Lý luận chính trị – hành chính (K17B–14) huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội hãy biến suy nghĩ thành hành động, gắn lý luận với thực tiễn "phải thực hành tiết kiệm điện". Đó cũng là một nghĩa cử tốt đẹp, để góp phần xoá đói, giảm nghèo đối với bà con dân tộc vùng núi nói chung, của tỉnh Hoà Bình nói riêng.

Chuyến đi thực tế không dài, nhưng thật ý nghĩa và ấm áp tình nhân ái, giúp cho các học viên vận dụng những kiến thức đã học vào hoạt động thực tiễn công tác tại cơ quan, đơn vị và xã hội ngày càng tốt hơn.

BTV: Nguyễn Thị An- Đài TT Huyện Mỹ Đức