kinh tế - chính trị kinh tế - chính trị

Mỹ Đức chủ động phòng chống úng, lụt sau bão Yagi
Ngày đăng 12/09/2024 | 10:30  | View count: 235

Những ngày qua, công tác ứng phó sau bão Yagi trên địa bàn huyện Mỹ Đức vẫn diễn ra khẩn trương. Ban chỉ huy PCTT & TKCN từ huyện đến xã, thị trấn luôn túc trực 24/24h, tăng cường kiểm tra các đoạn đê có nguy cơ sạt lở, sụt lún, rò rỉ để chủ động ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Theo báo cáo cập nhật mới nhất cả Phòng kinh tế huyện, tính đến thời điểm 14h00 ngày 11/9/2024. Toàn huyện có khoảng 2.592 ha lúa mùa bị đổ, ngập; 385,9 ha hoa mầu bị ảnh hưởng; 25.259 cây ăn quả bị đổ, gãy; 86,6 ha cây hàng năm (chuối, đu đủ…) bị đổ, gãy; 7.141 cây bóng mát, cây lấy gỗ bị đổ, gãy; 01 con bò (ở xã Tuy Lai) bị cây đổ đè chết;1.651 con gia cầm bị chết do sập chuồng; tràn 2,0ha nuôi trồng thuỷ sản xã An Tiến; có 89 chuồng trại bị đổ, sập, tốc mái; 03 nhà màng xã Phúc Lâm bị tốc mái; 71 ngôi nhà cấp 4 bị tốc mái (trong đó có 01 hộ ở xã Tuy Lai có nhà bán kiên cố bị sập); có 03 trường học tại xã Hương Sơn bị ngập và có 04 trường học đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, gồm: Trường Mầm non Hương Sơn B, Mầm non Phùng Xá, Mầm non An Phú B, Tiểu học An Phú (điểm Đồng Chiêm, Thanh Hà); 683 hộ dân nằm trong vùng trũng, ven sông, ngoài đê có nước tràn vào nhà, trong đó, 298 hộ dân trong vùng thấp trũng, bị ngập nước được di chuyển đến nơi an toàn). Hiện tại, trên địa bàn huyện Mỹ Đức chưa có thiệt hại về người.

Xã Hợp Thanh huy động lực lượng dân quân, công an và nhân dân tham gia đắp đê, ngăn lũ, chống tràn đê Mỹ Hà

Hiện nay, mực nước sông Đáy và sông Mỹ Hà đang dâng cao. Một số tuyến đê tại các xã Hợp Tiến, Hợp Thanh, An Phú, Hương Sơn bị tràn và nguy cơ tràn khi nước sông tiếp tục lên cao. Các xã, thị trấn trong toàn huyện đều đã chủ động xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu của mưa bão theo phương châm 4 tại chỗ. Các lực lượng vũ trang, công an, dân phòng và nhân dân đã tích cực tham gia đắp đê, chống tràn trên các tuyến đê thấp trũng có nguy cơ bị tràn.

Cán bộ và nhân dân xã Hương Sơn đang xử lý ngăn nước chống tràn tuyến đê Mỹ Hà chạy qua thôn Hội Xá, xã Hương Sơn

Tại xã Hương Sơn, ngay từ 4 h sáng 11/9, hơn 200 cán bộ và nhân dân của 6/6 thôn đã có mặt tại tuyến đê Mỹ Hà chạy qua thôn Hội Xá và toàn bộ khu vực suối Yến để tham gia ứng cứu, hộ đê, dùng bao tải, xẻng xúc cát vào mỗi tải khoảng 25 – 30 kg/ bao để đắp ven bờ đê ngăn nước, chống tràn, không cho nước chảy về làng. Ông Bùi Văn Triều – Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết: “Toàn xã Hương Sơn có khoảng 12,7 km tuyến đê bao sông, suối. Những ngày qua, lực lượng công an, dân quân và nhân dân luôn tục trực sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu xảy ra. Mặc dù thời tiết bất thuận nhưng cán bộ, lực lượng vũ trang, nhân dân xã Hương Sơn luôn luôn đoàn kết, trách nhiệm, sẵn sàng, xung phong, tình nguyện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, làm việc hết mình phối hợp cùng cấp uỷ, chính quyền ngăn nước, chống tràn, ứng trực 24/24 h để ứng phó với những tình huống xấu của thời tiết. Tinh thần của cán bộ cũng như người dân Hương Sơn là luôn sẵn sàng, nước dâng đến đâu, sẽ chủ động đắp gia cố ngay đến đó”.

Lãnh đạo xã Hương Sơn ( huyện Mỹ Đức) xử lý nước rò rỉ cống Đục Khê – kênh tiêu ngòi của 3 thôn Hà Xá, Đục Khê, Yến Vỹ  ra sông Đáy trên đường tỉnh lộ 419

Tại các địa phương khác trong toàn huyện cũng đều chủ động ứng phó, ngăn nước chống tràn. Một số địa phương, lực lượng dân phòng đã phải làm việc thâu đêm để hoàn thành việc ngăn nước chống tràn ở các tuyến đê trũng, thấp. Theo thống kê của Phòng kinh tế huyện Mỹ Đức, tính đến 17h ngày 11/9, Toàn huyện cũng đã huy động 27 ô tô các loại; 11 máy xúc; 02 cưa máy; trên 31.000 chiếc bao tải; cuốc, xẻng; 20 thuyền; trên 830m3 cát; trên 500m3 đất để khắc phục các sự cố do bão gây ra; đồng thời, huy động lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ lên tới 2.800 người tham gia vận chuyển đất, cát đóng vào các bao tải, đắp bờ, ngăn nước tràn tại toàn tuyến đê ở khu vực trũng, thấp. Nhờ làm tốt phương châm “4 tại chỗ”, với tinh thần “vì nhân dân quên mình”, các địa phương đã cơ bản khắc phục được các đoạn đê bị tràn, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

Cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn 1- Lữ đoàn công binh 72 đóng quân trên địa bàn xã An Phú đang hỗ trợ nhân dân An Phú thu hoạch lúa mùa chạy lũ

Đối với công tác thu hoạch lúa mùa đang được triển khai khẩn trương, tại một số địa phương, lúa bị ngập, úng, Đảng uỷ, chính quyền xã cũng đã chỉ đạo xã viên ra đồng thu hoạch nhanh diện tích lúa mùa bị ngập úng. Tại xã An Phú, những ngày qua, Đảng uỷ, chính quyền xã chỉ đạo xã viên tập trung thu hoạch nhanh gọn toàn bộ diện tích lúa mùa bị ngập.  ông Đỗ Xuân Kỷ - Phó bí thư Đảng ủy xã An Phú cho biết: “Để hỗ trợ bà con thu hoạch lúa mùa bị ngập úng, Đảng uỷ xã đã phối hợp với các lực lực Ban chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện, Tiểu đoàn 1 – Lữ đoàn công Binh 72 huy động lực lượng 135 người để hỗ trợ nhân dân xã An Phú thu hoạch lúa mùa. Tính đến 17h chiều ngày 11/9/2024, toàn xã An Phú đã thu hoạch được 55/354ha. Các diện tích còn lại, Đảng uỷ, chính quyền xã tiếp tục chỉ đạo thu hoạch xong trong thời gian sớm nhất để giảm thiệt hại cho người dân”.

Ông Hoàng Mạnh Thắng – Phó chủ tịch HĐND xã Lê Thanh hỗ trợ người dân  thôn Đức Thụ, xã Lê Thanh bị ngập lụt di chuyển đến nơi an toàn

Hiện nay, nước sông Đáy và sông Mỹ Hà vẫn đang dâng chậm, chưa có dấu hiệu xuống. Các hộ dân ven sông Đáy, sông Mỹ Hà bị nước tràn vào nhà đang được cấp ủy, chính quyền thực hiện khẩn trương, đảm bảo an toàn. 100% các xã, thị trấn đều bố trí lực lượng ứng trực nhanh, túc trực 24/24 h để hỗ trợ người dân kê kích tài sản và di chuyển đến nơi an toàn. Tính đến 17h,ngày 11/9/ 2024, Toàn huyện có khoảng trên 700 hộ dân ở khu vực trũng thấp ven sông và các hộ ngoài đê có nước tràn vào nhà, trong đó, trên 300 hộ dân trong vùng trũng, nhà bị ngập đã được di chuyển đến nơi an toàn.

Tổ ứng trực nhanh xã Đại Hưng hỗ trợ người dân kê kích tài sản lên cao đảm bảo an toàn phòng chống lụt

Đến thời điểm 8 h 30p, sáng ngày 12/9, tại một số tuyến đường đã bị ngập. Các phương tiện đi lại khó khăn. Việc đi lại của người dân gặp trở ngại. Tại tuyến đường liên xã Hợp Thanh  - An phú, đoạn qua cầu bãi giữa và đoạn cầu Ái Làng thuộc khu vực đê Mỹ Hà nước dâng cao 30cm, tràn qua mặt đường.

Đoạn đường (gần cầu bãi giữa) thuộc tuyến đường liên xã Hợp Thanh đi An Phú bị ngập

Tại xã Phù Lưu Tế, đoạn đường tại thôn 7, xã Phù Lưu Tế, hướng đi đến trung  tâm xã Phù Lưu Tế, nước sông Đáy dâng lên đã tràn qua đường, nước ngập đường khoảng  20 - 40cm.

Tại khu vực km69+ 200 đến km 71+700 đường tỉnh 419 và km4+050 đến km 4+500 đường tỉnh 425 địa bàn xã Hương Sơn- huyện Mỹ Đức nước ngập từ 20cm đến 60cm.

Tại dòng suối Yến chùa hương nước đang lên chậm, tuy nhiên, nước đã tràn, lực lượng an ninh, dân quân và nhân dân đang nỗ lực dựng thành chặn nước để ngăn nước chảy về làng.

Hiện nay, Đội thanh tra giao thông cũng đã bố trí phân công đứng chốt và phối hợp với lực lượng chức năng hướng dẫn phân luồng,  đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các vị trí ngập úng.

Đội thanh tra giao thông huyện Mỹ Đức phân luồng giao thông tại đoạn đường bị ngập ở xã Phù Lưu Tế

Còn tại các xã An Tiến, Hùng Tiến, Hợp Thanh, An Phú, Hợp Tiến, nước sông Mỹ Hà đang dâng lên làm tràn một số tuyến đê trũng thấp. Cấp uỷ, chính quyền xã cũng đang huy động nhân lực, vật tư và các vật dụng thực hiện nhiệm vụ xuyên đêm để chặn đê, ngăn nước để đảm bảo an toàn cho nhân dân không bị ngập lụt.

Hiện nay, do ảnh hưởng của mưa lũ, mực nước sông tiếp tục dâng cao, toàn huyện vẫn còn nhiều hộ dân sẽ bị ngập nước phải di dời. UBND huyện tích cực chỉ đạo các địa phương tiến hành triển khai các biện pháp cứu trợ các hộ dân thuộc khu vực bị ngập nước, đảm bảo cho nhân dân có đủ lương thực, thực phẩm, nước uống và các vật dụng cần thiết phục vụ đời sống.

UBND huyện yêu cầu Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện tiếp tục ứng trực theo dõi diễn biến của thời tiết để chủ động ứng phó kịp thời; huy động toàn bộ số máy bơm của các trạm bơm nước tiêu úng, tổ chức khoanh vùng, khơi thông dòng chảy; yêu cầu các cụm phụ trách các tuyến đê, lực lượng canh đê thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện sớm các vị trí bị tràn, bị thẩm lậu, lỗ rò bục qua đê để kịp thời xử lý;  tăng cường kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và đảm bảo đời sống của Nhân dân sau mưa, bão. Trước mắt, các lực lượng liên quan phải thực hiện ngay các phương án, tiếp tục ứng trực đủ quân số 24/24 giờ; tăng cường tuần tra, bảo vệ tài sản cho người dân; tiếp tục chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng phó ngay tại chỗ với các diễn biến khi có sự cố xảy ra; Tiếp tục chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và công tác phòng chống sạt lở, mưa, lũ rừng ngang… và thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thành phố; chuẩn bị mọi phương án để bà con sớm ổn định đời sống. Mặt khác, Phòng y tế huyện phối hợp với Trung tâm y tế, Bệnh viện đa khoa huyện chủ động đảm bảo thuốc men và các điều kiện phục vụ cho công tác sơ cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân vùng lũ, tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh đối với người dân và gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân.

Thu An