văn hóa xã hội văn hóa xã hội

Sáng tác văn học, nghệ thuật khai thác tiềm năng phát triển văn hóa của Mỹ Đức
Publish date 09/12/2024 | 14:04  | View count: 206

Thực hiện Kế hoạch số 164 ngày 29/11/2024 của Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội về tổ chức Đoàn đại biểu văn nghệ sĩ Thủ đô đi thâm nhập thực tiễn phát triển của Hà Nội sau 70 năm Giải phóng thủ đô tại huyện Mỹ Đức, ngày 7-12, và Huyện ủy – UBND huyện Mỹ Đức phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề “Công tác phối hợp trong hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật gắn với định hướng phát triển văn hóa – văn nghệ trên địa bàn huyện Mỹ Đức”.

Về dự và phát biểu chỉ đạo có đồng chí Đào Xuân Dũng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội; đồng chí Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; đồng chí Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; đồng chí Trần Thị An - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, lãnh đạo, chuyên viên các phòng của Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội; các văn nghệ sỹ tiêu biểu thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội. Đại biểu huyện có đồng chí Đỗ Trung Hai – Phó Bí thư TT Huyện uỷ; đồng chí Đặng Văn Cảnh – Phó Chủ tịch TT UBND huyện; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ huyện uỷ, các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, Văn phòng Huyện uỷ, Văn phòng HĐND-UBND huyện, Trung tâm chính trị huyện,Phòng văn hoá Thông tin, Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương sơn; Trung tâm Văn hoá TT và TT huyện.

Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Đỗ Trung Hai, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức cho biết, huyện Mỹ Đức có nhiều tiềm năng để phát triển văn hóa. Với không gian phong phú, đậm bản sắc dân tộc, Mỹ Đức là vùng đất của văn học, nghệ thuật, của lễ hội truyền thống đặc sắc, đồng thời còn nổi tiếng với các hình thức diễn xướng dân gian, ẩm thực mang những đặc trưng riêng.

Bản sắc văn hóa ở Mỹ Đức phản ánh một cách phong phú, đa dạng và chân thực thông qua truyền thống sinh hoạt văn hóa của người dân Mỹ Đức. Làng là đơn vị tự cư truyền thống lâu đời, nơi bao đời nay người dân Mỹ Đức lao động sản xuất và tổ chức các hoạt động van hóa tinh thần. Văn hóa làng ở Mỹ Đức là hệ thống những quan niệm, chuẩn mực đạo đức, hành vi được hình thành trong quá trình tổ chức, giữ gìn cuộc sống của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Biểu hiện sinh động cho tinh thần cấu kết cộng đồng ở Mỹ Đức là tục kết chạ(kết nghĩa anh em), như tại An Tiến, An Mỹ, Bột Xuyên, Hợp Thanh, Hợp Tiến, Thượng Lâm, Tuy Lai, Mỹ Thành…..các làng ở ngoài xã, như giữa làng Văn Giang, huyện Mỹ Đức với làng Nam Dương, huyện Ứng Hòa (Đã được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội truyền thống hai làng năm 2024).

Ngoài ra, nói đến Mỹ Đức, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến một hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội và nghệ thuật trình diễn dân  gian phong phú, đặc sắc. Hệ thống di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng ở Mỹ Đức phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình. Hệ thống di tích trên đất Mỹ Đức là một quần thể kiến trúc nghệ thuật, gồm đình, chùa, văn  chỉ... Đây là nơi nhân dân thực hành các nghi thức thờ phụng thần linh, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, tổ nghề, Thành hoàng làng. Đây là các công trình kiến trúc lâu đời, có giá trị cao về mặt lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Toàn huyện có 282 điểm di tích, trong đó: quần thể di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt Hương Sơn (Chùa Hương), 16 di tích cấp Quốc gia, 90 di tích cấp Thành phố). Công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch được quan tâm, đầu tư theo Nghị quyết số 02 của HĐND Thành phố Hà Nội.

Mỹ Đức còn là vùng đất của nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, với 67 lễ hội truyền thống được tổ chức chính thức hằng năm. Mỗi lễ hội mang một ý nghĩa, một sắc thái riêng, nhưng điểm chung nhất là niềm tâm linh, hoài vọng tưởng nhớ người xưa, những người đã có công với đất nước, với nhân dân. Mỹ Đức còn nổi tiếng với các hình thức diễn xướng dân gian và hiện đại, như: hú gọi vía lúa, vía lợn ở xã Hương Sơn, tuồng, hát chèo cổ, hát ống, đặc biệt là nghệ thuật cồng chiêng của đồng bào Mường, xã An Phú; Hát chèo cổ ở thôn Đông Bình, xã Hùng Tiến; Nghệ thuật trình diễn rối cạn Tế Tiêu, Thị trấn Đại Nghĩa (Năm 2020, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia): Nét đặc sắc riêng có ở phường rối cạn Tế Tiêu là có rối tuồng. Hiện nay, phường rối Tế Tiêu còn đang lưu giữ hơn 100 tích trò và hàng nghìn con rối rất sinh động…

Nhận thức rõ vai trò của văn hóa trong sự phát triển của xã hội, hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mỹ Đức tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, từng bước xây dựng thương hiệu cho văn hóa Mỹ Đức. Quá trình đó gắn liền giữa nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa đã được định hình trong chiều dài lịch sử với phát huy, thích ứng những bản sắc này phù hợp trong bối cảnh phát triển, hội nhập của Thủ đô và đất nước.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đề cập tới giải pháp để phát triển công nghiệp văn hóa của Mỹ Đức, tăng cường đẩy mạnh việc sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá về di tích lịch sử địa phương; sưu tầm, nghiên cứu sâu về tín ngưỡng dân gian; nghiên cứu các giải pháp kết nối du lịch các di tích, danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử văn hóa; nghiên cứu giải pháp để kết nối sản phẩm làng nghề với công nghiệp văn phục vụ du lịch. Đồng thời văn học, nghệ thuật chính là một kênh để quảng bá lan tỏa giá trị văn hóa một cách hữu hiệu và văn nghệ sĩ chính là lực lượng tiên phong trong việc phát huy giá trị văn hóa, mở ra những kết nối giữa địa phương và văn nghệ sĩ Thủ đô.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Bí thư TT huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai khẳng định vai trò của văn hóa trong phát triển Thủ đô và huyện, đồng thời đề cập tới những định hướng về phát triển văn hóa, đặc biệt là công nghiệp văn hóa của huyện Mỹ. Với những tiềm năng của Mỹ Đức trong phát triển du lịch, văn hóa, Phó Bí thư TT huyện ủy mong rằng thời gian tới Mỹ Đức sẽ có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội để qua văn học, nghệ thuật quảng bá, lan tỏa rộng rãi hơn nữa những tiềm năng, giá trị của văn hóa huyện Mỹ Đức, góp phần đưa văn hóa, du lịch dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện./.

Nguyễn Quyền