văn hóa xã hội văn hóa xã hội

Ngày Quốc khánh 2/9 và giá trị trường tồn của Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945
Publish date 01/09/2023 | 09:45  | View count: 468

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đây là Bản tuyên ngôn do chính Người soạn thảo đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bản tuyên ngôn này đã khẳng định rõ nhất và đầy đủ nhất về quyền con người, quyền dân tộc và sự thống nhất biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.

78 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa của ngày Quốc Khánh 2/9 và Bản tuyên ngôn độc lập năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị và trường tồn mãi theo thời gian. Mỗi khi đến ngày này, mỗi người dân Việt Nam chúng ta càng thấy trân quí và hiểu rõ hơn những tư tưởng vĩ đại, tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Bản tuyên ngôn độc lập năm ấy. Đây là vừa một văn kiện lịch sử và là một văn bản pháp lý quan trọng của nước ta, đặt cơ sở cho việc khẳng định chủ quyền và  thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Hơn thế nữa, Tuyên ngôn độc lập còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới. Và mỗi khi nghe lại Bản tuyên ngôn độc lập do Bác Hồ đã đọc trước Quốc dân đồng bào trong ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, chúng ta càng thêm trân quý giá trị lịch sử về những tư tưởng tiến bộ vĩ đại và tầm nhìn chiến lược của Người khi đặt ngòi bút viết ra bản Tuyên ngôn này. Bản tuyên ngôn này là một áng văn lập quốc bất hủ, một văn kiện có giá trị cao về tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tuyên bố với Quốc dân và toàn thế giới về nhà nước dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập cho dân tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ thiện chí hòa bình và quyết tâm sắt đá của nhân dân ta, dù trải bao khó khăn, gian khổ, hy sinh vẫn quyết tâm giành độc lập dân tộc và bảo vệ chủ quyền độc lập sau hơn 80 năm phải sống dưới ách cai trị của đế quốc xâm lược.

Ảnh ST

Bản tuyên ngôn Độc lập chỉ có vẻn vẹn 1.120 chữ, được sắp xếp trong 49 câu với những lời lẽ sắc bén cùng hệ thống lập luận chặt chẽ, giọng văn hùng hồn của Bác đã đặt một nền móng, một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định rõ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới về một nước Việt nam dân chủ cộng hòa sẽ đổi mới, hội nhập và phát triển từ đây. Mở đầu Bản tuyên ngôn, Bác viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".  Đây là lời khẳng định trí lý, trí tình, trọn vẹn được Bác rút ra từ hai bản tuyên ngôn bất hủ của nước Mỹ năm 1776 và Bản tuyên ngôn “Nhân quyền và Dân quyền” của Pháp năm 1791. Hai bản tuyên ngôn này là những thành quả văn hoá của nhân loại, là dấu mốc lớn của lịch sử loài người cũng đã khẳng định những quyền cơ bản của con người. Đó là "quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” Bác nêu ra luận chứng và khẳng định: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. .. “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”…Chỉ là những câu lập luận đơn giản ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã thấy rõ tư tưởng tiến bộ vượt trội của Người được nêu ra trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa lúc bấy giờ.  Đây là một nội dung rất căn bản, có ý nghĩa không chỉ đối với dân tộc ta mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với thời đại. Từ đó tới nay, các nước trên thế giới đã và đang liên tục đấu tranh để giành độc lập, giành quyền dân tộc cơ bản của mình. Đó chính là sự đóng góp về lý luận và thực tiễn về quyền con người, đem lại những tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp đến, Người đã đưa ra những dẫn chứng, lập luận rất sắc bén nhằm tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã gây ra những đau thương cho người dân Việt Nam; Vạch trần luận điệu xảo trá, âm mưu đớn hèn của chính quyền thực dân; Khẳng định cục diện chính trị mới "Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị,... nhân dân ta đấu tranh giành độc lập tự do và bình đẳng. Bản tuyên ngôn còn khẳng định với thế giới rằng: “ Việt Nam là một nước độc lập tự do, có chủ quyền và không ai có thể xâm phạm được.  Bản Tuyên ngôn này không chỉ có ý nghĩa với nhân dân Việt Nam mà còn được công nhận trên toàn thế giới dựa trên nguyên tắc dân tộc bình đẳng được công nhận tại các Hội nghị Tê hê răng và Cựu Kim Sơn. Khẳng định tính pháp lý của bản tuyên ngôn là không thể không công nhận. Bản Tuyên ngôn cũng thể hiện được ý chí, khát vọng độc lập tự do của nhân dân ta. Bản tuyên ngôn này đã nêu rõ và đầy đủ nhất  về quyền con người, quyền dân tộc và sự thống nhất biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân các dân tộc bị áp bức bóc lột nói chung.

Danh sách chính phủ lâm thời ra mắt trước Quốc dân đồng bào vào ngày 2/9/1945

78 năm đã trôi qua, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Với tinh thần đó, trong suốt 78 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi vẻ vang, có ý nghĩa lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cùng với những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp bước tinh thần bất diệt ấy, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống của nhân dân; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập ,chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Thu An