Thông tin tuyên truyền Thông tin tuyên truyền

Bác Hồ với Mỹ Đức và những lời căn dặn ân tình
Publish date 10/10/2016 | 08:45  | View count: 8734

Huyện Mỹ Đức vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen và 2 lần Bác Hồ về thăm. Đây là niềm vinh dự tự hào và là những dấu son rực rỡ đáng tự hào của Đảng bộ và nhân dân huyện Mỹ Đức.

Nằm ở phía Tây Nam của Thủ đô Hà Nội, Mỹ Đức là một vùng đất địa linh, giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. Giữa năm 1942, Mỹ Đức cũng được xứ ủy Bắc kỳ chọn làm An toàn khu và có nhiều lãnh đạo cấp cao của  Đảng, của tỉnh ủy Hà Đông về chỉ đạo nhân dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền như nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, đồng chí Văn Tiến Dũng, Bùi Quang Tạo, Bạch Thành Long. Hơn 55 năm trước đây, Mỹ Đức là địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào làm thủy lợi và hưởng ứng mạnh mẽ phong trào gió Đại phong, cờ Ba nhất. Chính vì thế cuối những năm 50 và đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Mỹ Đức là địa phương thường xuyên nhận được sự quan tâm, theo dõi, động viên của Trung ương Đảng và Bác Hồ.

Đồng chí Lê Duẩn về thăm đập Hồ Quan Sơn, đập hồ được đắp nhờ huy động sức mạnh của toàn dân trong huyện

để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của các xã phía Bắc và phía Tây của huyện Mỹ Đức.

Năm 1956, với khẩu hiệu "nghiêng sông đổ nước vào đồng", huyện Mỹ Đức đã trở thành một điển hình trong phong trào chống hạn, làm cho hàng nghìn mẫu lúa được cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Nhận được tin này, ngày 07/02/1956, Bác Hồ đã gửi thư khen đồng bào và cán bộ huyện Mỹ Đức. Thư của Bác đã được truyền đi khắp nơi trong huyện. Nghe lời Bác dạy, mọi người, mọi nhà hăng hái thi đua lao động, sản xuất. Nhờ vậy, trên 20.000 mẫu lúa chiêm năm đó được cấy đúng thời vụ, được chăm bón đầy đủ,"để vụ chiêm này thu được tốt hơn", như Bác hằng mong muốn.

Ngày 19/5/1958, Bác về thăm Chùa Hương, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của cả nước. Ngồi trên thuyền theo dòng suối Yến vào chùa. Người ghé thăm Chùa Thiên Trù, lên động Tiên Sơn, sau đó vào thăm động Hương Tích, rồi nghỉ trưa tại đền Cửa Võng. Ra về, Người ca ngợi cảnh đẹp của Chùa Hương và căn dặn Thượng tọa Thích Thanh Chân – Nhà sư trụ trì Chùa Hương về việc giữ gìn, tôn tạo cảnh quan nơi đất Phật. Người nói: " Nhà chùa cùng nhân dân địa phương, phải trồng thật nhiều cây dọc hai bên suối Yến, bảo vệ, tôn tạo và xây dựng thắng cảnh đẹp hơn để ngày càng nhiều khách trong và ngoài nước tới thăm".

Bức tranh Sơn mài  được tạc năm 1990 mô phỏng lại bức ảnh Bác Hồ đang tiếp chuyện

với Thượng tọa Thích Thanh Chân – Nhà sư  trụ trì Chùa Hương khi Bác Hồ về thăm năm 1958.

Hơn ba năm sau, ngày 07/10/1961, Bác lại về thăm Mỹ Đức. Tại nhà thờ họ Nguyễn – thôn Văn Giang – Thị Trấn Đại Nghĩa, Bác Hồ đã nói chuyện với 438 cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã và 7.000 cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức và huyện Ứng Hòa về Nghị quyết Trung ương V, Khóa III. Người nói về phát triển nông nghiệp, nông thôn, biểu dương phong trào Đại Phong của huyện lúc bấy giờ. Có thể nói đây là một sự kiện trọng đại, một dấu son rực rỡ, đáng tự hào nhất của Đảng bộ và nhân dân Mỹ Đức.

Bác Hồ về Nhà thờ họ Nguyễn truyền giảng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 ( Khóa III ) về phát triển nông nghiệp toàn diện.

" Ngày đó, mọi người dân trong huyện nô nức háo hức đổ về Đại Nghĩa khá đông. Nhiều người biết Bác Hồ về liền nghỉ cả công việc lao động sản xuất chạy về xã Đại Nghĩa với niềm hân hoan, mong chờ được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ kính yêu – vị lãnh tụ và vị cha già kính yêu của dân tộc – cả một đời vì nước vì dân. Khi thấy Bác, tất cả mọi người dân ở đó hô to Hồ Chí Minh muôn năm – Hồ Chí Minh muôn năm". Cụ Lê Văn Đường- Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức – Nguyên xã đội trưởng xã Đại Nghĩa khi Bác Hồ về thăm đã phấn khởi kể lại khoảnh khắc đón Bác Hồ về thăm năm 1961.

Bác Hồ nói chuyện với lãnh đạo các huyện của tỉnh Hà Đông,

lãnh đạo huyện Ứng Hòa, xã Đại Nghĩa và các xã của huyện Mỹ Đức

Trong cuộc nói chuyện hôm ấy, Bác nói về 4 vấn đề trong Nghị quyết TW 5, đó là: Kế hoạch phát triển nông nghiệp trong 5 năm ở miền Bắc nước ta; Nhiệm vụ của Hợp tác xã; Nhà nước đối với HTX và về sự lãnh đạo của Đảng. Bác nhấn mạnh  " để xây dựng HTX 8 điểm, chúng ta phải hiểu HTX như thế nào? Vấn đề tổ chức, đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn? Vấn đề hợp nhất những HTX nhỏ thành HTX lớn? đưa HTX bậc thấp lên HTX bậc cao? Ban quản trị phải thế nào? Phấn đấu thế nào cho đúng? Xã viên phải thế nào; Vấn đề cải thiện đời sống nhân dân"?

Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Đại Nghĩa tại sân vận động Đại Nghĩa.

Về hướng tới việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Bác chỉ rõ: "Đảng phải tăng cường sự lãnh đạo của mình. Các cán bộ tỉnh, huyện phải đi sâu xuống các hợp tác xã, giúp đỡ các hợp tác xã tiến bộ. Nhưng cán bộ tỉnh, huyện không thể đi khắp được, cho nên cái gốc trong việc lãnh đạo hợp tác xã vẫn là chi bộ Đảng ở cơ sở. Chi bộ phải tăng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn và làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hăng hái sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển củng cố Hợp tác xã. Tất cả đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu trong công tác, là lực lượng xung phong trong công tác nông nghiệp". Đây chính là nền tảng tư tưởng để cho Đảng bộ và nhân dân thực hiện.

Sau khi truyền đạt Nghị quyết xong, Bác ra sân vận động thị trấn Đại Nghĩa nói chuyện với nhân dân. Tại đây, Bác khen ngợi đồng bào, cán bộ, bộ đội, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên, nhi đồng của huyện đã ra sức thi đua lao động sản xuất, có nhiều thành tích xuất sắc trong mọi phong trào thi đua của tỉnh, của huyện.

Cánh đồng lúa Đại Nghĩa được thực hiện theo chương trình SRI

Thấm nhuần lời dạy đó, các địa phương trong huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng HTX 8 điểm theo lời Bác dạy và tích cực hăng hái thi đua lao động sản xuất và chiến đấu. Vì vậy, trong những năm ấy Mỹ Đức luôn là địa phương tiêu biểu của tỉnh, có hàng nghìn kiện tướng về đắp đập Hồ Quan Sơn, Hồ Tuy Lai, đào đắp kênh mương bờ vùng, bờ thửa cho tiện canh tác và trồng nhiều cây xanh ở các cánh đồng, đường giao thông nông thôn, đường nội đồng. Các địa phương đồng loạt thành lập các Hợp tác xã cấp cao, quản lý tất cả các khâu dịch vụ, lao động sản xuất, đảm bảo công ăn, việc làm cho nhân dân, làm đó kinh tế của huyện cũng ngày càng phát triển. Mỹ Đức là quê hương của dâu tằm tơ Hà Tây và có nhà Máy ươm tơ Mỹ Đức (được xây dựng năm 1966) đặt tại xã Phù Lưu Tế.

Có thể thấy, dù chỉ trong vài tiếng đồng hồ nhưng đối với mỗi cán bộ, mỗi người dân Mỹ Đức lúc bấy giờ đó là niềm vui sướng vô bờ và là một vinh dự lớn lao "Tiếng của Người không phải sấm trên cao, ấm từng tiếng, thấm vào lòng mong ước", những lời dạy ân cần của Bác tuy giản dị, mộc mạc mà có sức cổ vũ, động viên vô cùng to lớn. Là động lực thúc đẩy mỗi tập thể và từng cá nhân nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để đạt được nhiều kết quả trong mọi mặt công tác và cuộc sống.

Nguyễn An