Thông tin tuyên truyền Thông tin tuyên truyền

Từ ngày 1/7/2016, ngoại tình có thể bị phạt tù đến 3 năm
Publish date 28/06/2016 | 10:24  | View count: 1824

Điều 182 Bộ luật hính sự năm 2015 quy định từ ngày 1/7/2016 ngoại tình có thể bị phạt tù đến 3 năm

Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi đã quy định nhiều điều luật mới cũng như bổ sung chi tiết một số điều còn chung chung, trong đó Điều 182 BLHS 2015 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng và sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/7/2016 sẽ thay thế điều 147 bộ luật hình sự năm 1999 về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:

 Điều 147 Bộ luật hình sự 1999 quy định

 Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

 Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 quy định cụ thể như sau

 Theo đó: "Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:

  1. Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn.
  2. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó".

Có thể thấy, Điều 182 BLHS 2015 đã khắc phục được những hạn chế, thiếu sót của Điều 147 BLHS 1999. Nếu như trước đây, BLHS 1999 không cụ thể hóa hậu quả của việc vi phạm chế độ một vợ, một chồng là như thế nào mà chỉ quy định một cách chung chung là "gây hậu quả nghiêm trọng" dẫn đến việc các cơ quan có thẩm quyền khó xác định như thế nào là hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau, không thống nhất, trên thực tế tội này chưa được áp dụng nhiều trên thực tế. Đến BLHS 2015 đã quy định cụ thể hơn hậu quả của việc vi phạm là "làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn", "làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát". Điều này góp phần quan trọng trong việc áp dụng pháp luật thống nhất và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.

Như vậy, Việc BLHS 2015 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 182) có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình, bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng được Nhà nước công nhận và tôn trọng. Cũng xuất phát từ chính yêu cầu của thực tiễn xã hội đã có những quy định phù hợp trong việc đấu tranh và phòng chống tội phạm. Qua đây, mỗi người cần có thái độ đúng đắn và trách nhiệm đối với gia đình, con cái để không có những cảnh gia đình ly tan, con trẻ thiếu đi tình thương của cha hoặc mẹ... dẫn đến những hệ lụy xấu trong xã hội. Quy định này của pháp luật nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo người dân và các chuyên gia pháp lý trong cả nước. Bởi lẽ, pháp luật đã thừa nhận chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì cần phải có những chính sách, chế tài phù hợp để bảo vệ loại quan hệ xã hội này.

Hoàng Thị Ngọc Bích, Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức