kinh tế - chính trị kinh tế - chính trị

Mạnh dạn ứng dụng mạ khay, máy cấy giảm sức lao động, tăng năng suất, giải quyết tình trạng bỏ ruộng không cấy
Publish date 04/03/2016 | 11:58  | View count: 1836

Mỹ Đức là huyện thuần nông, song từ vụ xuân năm 2015 và vụ xuân năm 2016 đã và đang xảy ra tình trạng ở các xã, thị trấn, đặc biệt là những xã có nhiều hộ có thu nhập từ các nguồn khác và không có lao động làm nông nghiệp đã bỏ ruộng cấy vì phải đi thuê công cấy, công gặt từ 230.000đ - 300.000đ/1 ngày công. Giá thóc thấp từ 5.500đ -5.800đ/1kg, thu nhập /1 sào ruộng trừ chi phí không có lãi thậm chí bị lỗ đặc biệt là diện tích quỹ đất 5% của Ủy ban các xã, thị trấn khoán thầu thấp mà không có người nhận cấy. Điển hình là xã Phù Lưu Tế ở vụ xuân năm 2016, đứng trước tình hình như vậy gia đình bà Nguyễn Thị Liên, Đội 5, thôn Trung, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức đã mạnh dạn đứng ra nhận thầu cấy 8 mẫu (tương đương 2,88 ha) tại xứ đồng Xếp Thượng, xã Phù Lưu Tế. Ngay từ khi nhận hợp đồng với UBND xã, gia đình bà đã liên hệ và ký hợp đồng chọn gói với các chủ hộ ở huyện Phú Xuyên để sản xuất gồm gieo mạ bằng giống Khang dân 18 nguyên chủng, tuổi mạ từ 3-3,5 lá và cấy bằng máy cấy Kubota 1,5 mã lực tổng chi phí cho 1 sào (360m2) là 230.000 đồng.

Ngoài ra, gia đình bà cũng đã ký hợp đồng với 1 cửa hàng kinh doanh phân bón tại Thị trấn Đại Nghĩa để cung ứng phân bón đảm bảo tiêu chuẩn để bón cho diện tích trên; đã có đơn vị cung ứng giống đến đặt vấn đề để mua toàn bố số lúa trên để làm giống.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, phương pháp mạ khay, cấy máy với dòng máy Kubota 1,5 mã lực, cấy lúa 4 hàng có hiệu suất cấy đạt 0,8 - 1,0 ha/ngày (8 tiếng), tương đương với 25 - 30 nhân công. Do cấy nông, thưa nên lúa đẻ nhánh sớm, khỏe, hạn chế sâu bệnh, năng suất tăng khoảng 10% và lợi nhuận cao hơn 6-7 triệu đồng/ha so với lúa cấy truyền thống. Thuận lợi cho sản xuất hàng hóa, đặc biệt là (cấy giống).

Hiện nay cơ giới hóa trong sản xuất lúa của huyện Mỹ Đức mới tập trung chủ yếu ở khâu làm đất (đạt 100% diện tích), khâu thu hoạch là 60%, còn khâu gieo cấy vẫn mang tính thủ công. Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ mới đạt 4% diện tích hiệu quả sản xuất không cao.

Chính vì vậy, việc áp dụng phương pháp mạ khay, máy cấy góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ và thúc đẩy việc dồn điền đổi thửa để hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung.

Mặc dù vậy, theo phản ánh của một số địa phương, để mở rộng mô hình vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tại nhiều nơi ruộng đất còn manh mún do nông dân không thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, khó áp dụng cơ giới hóa khâu cấy lúa, một số nông dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào tiến bộ kỹ thuật mới.

Trong khi đó, vai trò dịch vụ của các HTX nông nghiệp chưa được phát huy. Chưa mạnh dạn đứng ra đảm nhiệm khâu dịch vụ cấy máy. Đặc biệt chưa có tổ chuyên làm mạ, tổ lái máy.

Ứng dụng công nghệ mạ khay - máy cấy tại xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức.  

Ảnh: Mỹ Hạnh.

Để ứng dụng tốt mạ khay - máy cấy vào sản xuất đề nghị các xã, thị trấn cần tích cực quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung; cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng để tạo thuận lợi cho ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân đăng ký với HTX thực hiện khâu làm đất, cấy, gặt với tập thể, cùng thực hiện quy hoạch sản xuất (cùng cấy 1 giống) để tiện lợi trong công tác đưa cơ giới hóa giảm chi phí sản xuất, đẩy nhanh tiến độ đưa đồng bộ các khâu cơ giới hóa vào sản xuất (làm đất, cấy, thu hoạch, chế biến bảo quản nông sản hiện nay chính sách hỗ trợ của thành phố theo Nghị quyết số 17/2015/NQ-HĐND Thành phố (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND Thành phố). Hỗ trợ 100% lãi suất cho các hộ mua máy 3 năm mới phải trả gốc). Các HTX nông nghiệp cần tuyên truyền chính sách của thành phố để các hộ mua máy. Sau đó thành lập tổ Hợp tác gồm các hộ có máy, HTX đứng ra làm ký kết hợp đồng với tổ có máy: Thành lập tổ chuyên gieo mạ khay ký kết hợp đồng các hộ nông dân thực hiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất đặc biệt khâu cấy, tích cực tập huấn cho các thành viên tổ chức thực hiện sản xuất thì mới tránh được tình trạng bỏ ruộng và mới đi vào sản xuất hàng hóa sản phẩm sạch, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả ha/gieo trồng và tăng cường mối liên kết "4 nhà" để nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả kinh tế thì mới "Áp dụng công nghệ mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa là rất cần thiết để đẩy nhanh quá trình CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân theo Chương trình 02 của Thành ủy".

Ngành Nông nghiệp huyện Mỹ Đức rất mong được đón nhận các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về cùng liên kết đầu tư vào sản xuất giúp cho ngành Nông nghiệp của huyện phát triển bền vững và có được hiệu quả cao./.

Phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức