kinh tế - chính trị kinh tế - chính trị

Huyện Mỹ Đức triển khai Kế hoạch sản xuất vụ Xuân năm 2023
Publish date 15/12/2022 | 14:59  | View count: 555

Sáng ngày 14/12, UBND huyện tổ chức triển khai Kế hoạch sản xuất vụ Xuân năm 2023.

Tại hội nghị, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Trương Anh Tuấn cho biết: "Vụ Xuân năm 2022, tình hình thời tiết không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt giai đoạn mạ, giai đoạn cấy do không khí lạnh tăng cường vì vậy cây mạ sinh trưởng phát triển chậm, ảnh hưởng đến chất lượng mạ, tiến độ gieo cấy và kéo dài thời gian sinh trưởng của cây lúa từ 7-10 ngày so với các năm. Cơ cấu giống có chiều hướng tăng nhóm lúa năng suất chất lượng và nhóm lúa chất lượng (thơm, nếp), giảm dần diện tích lúa lai và lúa khang dân.

Tuy nhiên, một số xã để nhân dân tự ý cấy các giống lúa không có trong cơ cấu của Huyện (TBR225, ND502) và dịch hại đã xuất hiện nên khó khăn cho công tác phòng chống dịch hại; giá cả đầu ra sản phẩm nông nghiệp không ổn định, giá vật tư đầu vào cao; việc liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn hạn chế. Song, Ủy ban nhân dân huyện đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn khắc phục những khó khăn để giành vụ Xuân thắng lợi, đã gieo cấy cơ bản hết diện tích trong khung thời vụ, lúa - màu sinh trưởng, phát triển tốt. Dịch hại trên đồng ruộng được đánh giá ở mức độ rất thấp (sạch sâu bệnh) so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa vụ Xuân đạt 68,21 tạ/ha, sản lượng đạt gần 50.750 tấn, bằng 99,25% so cùng kỳ...

Đối với vụ Xuân 2023, huyện có Kế hoạch tổng diện tích gieo trồng đạt 8.134,7 ha; bằng 99,96% so cùng kỳ. Trong đó: Cây lúa tổng diện tích 7.451,3 ha, bằng 100,15% so cùng kỳ; năng suất phấn đấu từ 68 tạ/ha, sản lượng 50.668,84 tấn. Cơ cấu: lúa thuần năng suất chất lượng (Thiên ưu 8; VNR20,...) 3.715,3 ha, chiếm 49,9% diện tích; lúa chất lượng cao (Bắc thơm 7, RVT, HDT8, J02,...), lúa nếp (nếp 87, nếp 97, nếp 98, nếp vàng 1, nếp 9603,...) diện tích 2.326,8 ha, chiếm 31,2% diện tích; lúa khang dân 729,7 ha, chiếm 9,8% diện tích; lúa lai 295 ha, chiếm 4% diện tích; giống lúa khác 384,3 ha, chiếm 5,2% diện tích. Huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất lúa - màu (đặc biệt cơ cấu giống lúa năng suất, lúa chất lượng); khuyến khích mở rộng diện tích liên doanh liên kết trong sản xuất tiêu thụ lúa chất lượng; mạ khay - cấy máy; thâm canh lúa cải tiến SRI, cấy lúa hàng biên; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, hữu cơ; trồng ngô sinh khối,... Chủ động tích cực và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất, có biện pháp cụ thể để khắc phục khó khăn do thời tiết gây ra. Đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, phấn đấu cấy hết diện tích xong trước ngày 25/02/2023.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Trang đề nghị các xã, thị trấn tăng cường công tác chỉ đạo, chuyển đổi cơ cấu giống lúa thuần mới, lúa chất lượng, quy hoạch vùng sản xuất theo từng giống để có kế hoạch, hợp đồng cung ứng đảm bảo số lượng, chất lượng kịp thời cho nhân dân. Đẩy mạnh kỹ thuật thâm canh sản xuất lúa, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất (thâm canh lúa cải tiến theo SRI, cấy lúa hàng biên, mạ khay - máy cấy, ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ, khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm phân bón hữu cơ...). UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn cấy gọn vùng, bón phân cân đối NPK, khuyến khích Nhân dân sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm phân bón hữu cơ cho cây lúa góp phần tăng chất lượng nông sản và cải tạo độ phì nhiêu của đất nhằm phát triển nông nghiệp an toàn, hữu cơ bền vững,...). Hạn chế sử dụng thuốc BVTV, khi sử dụng đảm bảo nguyên tắc 4 đúng... Đối với các giống có nguồn gốc Japonica (J01, J02, ĐS1,…) yêu cầu gieo, cấy tập trung, gọn vùng để chăm sóc, quản lý dịch hại. Ứng phó kịp thời với diễn biến bất thường của thời tiết có thể xảy ra đối với sản xuất vụ Xuân. Đồng thời tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong tổ chức, quản lí sản xuất nông nghiệp.

UBND huyện đặc biệt lưu ý các xã, thị trấn, các đơn vị có thực hiện mô hình giống lúa mới phải đăng ký và báo cáo bằng văn bản về UBND huyện (qua phòng Kinh tế) để quản lý, theo dõi. Hạn chế tối đa việc đưa các giống lúa mới, giống chưa được công nhận, không rõ nguồn gốc, không có trong cơ cấu của Huyện vào sản xuất tại địa phương. Nếu để xảy ra dịch hại, mất mùa do các yếu tố trên và khi có dịch bệnh xảy ra chỉ đạo không kiên quyết, lơ là, chủ quan thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND cấp xã hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện. Huyện sẽ thực hiện các mô hình sản xuất theo các chương trình, đề án của Thành phố. Tiếp tục tăng cường công tác hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của HĐND Thành phố. Huyện hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; Hỗ trợ một phần kinh phí (giống, phân bón, thuốc BVTV khi có dịch) để thực hiện một số mô hình như: Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, hữu cơ; mạ khay - cấy máy,…; hỗ trợ một số mô hình sản xuất mới có khả năng mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao.

Theo kế hoạch vụ Xuân 2023, Mỹ Đức sẽ tiến hành gieo mạ trà Xuân muộn từ ngày 18-20/01/2023; 100% diện tích mạ gieo phải được che phủ nilon đúng kỹ thuật. Nếu thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài cần giữ đủ ẩm, bón phân lân, tuyệt đối không được bón phân đạm urê cho mạ.  Thời vụ cấy tập trung từ ngày 04-25/02/2023 sau tiết Lập xuân (04/02 - Tức 14 tháng Giêng, năm Quý Mão./.

Nguyễn Quyền