kinh tế - chính trị kinh tế - chính trị

Người phụ nữ biến những thứ phế thải thành cây nấm có giá trị kinh tế cao
Publish date 26/09/2017 | 11:24  | View count: 2849

Trong một chuyến đi tác nghiệp, tôi có dịp được gặp chị Dương Thị Thu Huệ - Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao - một nữ doanh nghiệp giỏi, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn cầm cố nhà cửa đầu tư 60 tỉ đồng xây dựng trang trại nấm công nghệ Nhật Bản với diện tích 3 ha. Đây là trang trại nấm công nghệ cao đầu tiên có tại Việt Nam.

Lãnh đạo Thành phố và huyện Mỹ Đức thăm khu sản sản xuất nấm của công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao

Chị Dương Thị Thu Huệ sinh năm 1974, quê ở Hà Đông - Hà Nội - nơi trung tâm thị thành ai cũng muốn ra đó để lập thân, lập nghiệp nhưng chị Huệ lại đi ngược lại điều ấy, từ bỏ cả nghề phiên dịch viên tiếng Nhật có thu nhập hàng nghìn USD/tháng để trở về một vùng nông thôn lập nghiệp cho riêng mình và làm bạn với cây nấm. Nói về cơ duyên đến với nghề trồng nấm, chị Dương Thị Thu Huệ cho biết: “ Trong một chuyến tình cờ đưa các đoàn chuyên gia của Nhật Bản sang thăm Việt Nam. Khi về với đây, họ thấy nguồn nguyên liệu của mình khá là dồi dào có thể tận dụng để trồng nấm như mùn cưa, sơ dừa, rơm dạ nên các đoàn chuyên gia Nhật Bản đã động viên mình đi theo nghiệp trồng nấm. Sau lời khuyên ấy, nhiều đêm mình trăn trở suy nghĩ  các chuyên gia nói đúng. Nguồn nguyên liệu bỏ đi nhiều như vậy, Tại sao ta lại không làm. Biết là trồng nấm rất khó nhưng mình vẫn nghe theo lời khuyên của các chuyên gia Nhật bản quyết định từ bỏ nghề phiên dịch viên tiếng Nhật, đi học khóa ngắn hạn về trồng nấm với mong muốn có thể biến những thứ không thể thành có thể, tận dụng nguồn nguyên liệu thừa bỏ đi để tạo ra những sản phẩm sạch cho người dân quê hương Việt Nam, vừa có thể làm giàu cho mình, cho quê hương đất nước – nơi mà mình đã sinh ra và lớn lên. Quan trọng hơn cả là có thể mang được những sản phẩm siêu sạch đến với người tiêu dùng”

Đoàn công tác Thành phố thăm khu  sản xuất nấm Kim Châm của  công ty xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao

Quả thật là tình cờ. Không học về nông nghiệp ngày nào, chỉ  biết sơ sơ cách thức sản xuất nấm khi làm phiên dịch cho các đoàn chuyên gia của Nhật, đang hưởng mức lương cả ngàn USD chị liền đột ngột chuyển nghề về với nghề Nấm từ năm 2002. Quá trình trồng nấm của chị thật khó khăn, trật vật. Năm 2005, chị xuất vốn lập nhà xưởng đầu tiên ở xã Thanh Cao. Trận lụt kỷ lục năm 2008 đã nhấn chìm đến tận mái nhà, các giá thể trồng nấm trôi bồng bềnh trong nước, còn nước mắt của chị thì cứ chảy vào trong. Thảm khốc là thế nhưng chị vẫn quyết tâm vượt qua khó khăn, yêu nghề trồng nấm và gượng dậy. Sau biến cố thăng trầm năm ấy, chị đi mọi nơi để tìm kiếm khu đất phù hợp cho mình phát triển nghề nấm. Khi đến xã Đốc Tín tìm hiểu thực địa, chị đã tìm được điểm dừng chân và quyết định chuyển cơ sở sản xuất nấm về xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức). Chị Huệ  giải thích “chữ  Kinoko trong tiếng Nhật nghĩa là nấm, còn Thanh Cao là xã thuộc huyện Thanh Oai nơi chị mở xưởng đầu tiên. Giờ đây khu sản xuất nấm của mình được  đặt tại xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức, Hà Nội với lý do ở đây có môi trường trong lành, mặt bằng cao ráo, có khu đất đủ rộng để mình xây dựng nhà xưởng trồng nấm và quan trọng hơn hêt là có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất nấm như rơm rạ được lấy sau mỗi mùa gặt và lượng mùn cưa được thu mua từ Đanh Xuyên- một làng chuyên sản xuất gỗ ở xã Hòa Nam - Ứng Hòa, cách công ty khoảng chừng 20 km”. Từ việc tận dụng nguồn nguyên liệu phế thải ấy, Chị Dương Thị Thu Huệ đá biến những thứ bỏ đi trở thành những cây nấm ngon, sạch, bổ dưỡng, mang lại giá trị kinh tế cao. 

Chị Dương Thị Thu Huệ tại khu trồng nấm ban đầu của công ty xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao

Ban đầu, tiền ít, vốn ít, về với trại nấm Đốc Tín, Chị sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu bằng công nghệ khá thô sơ, trồng nấm trong những khu sản xuất hở bằng các phế liệu nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa. Sau mỗi mùa gặt là rơm rạ phơi kín cả sân xưởng, thoải mái cho việc chế xuất của công ty. Lúc ấy, kinh nghiệm còn kém, tiền vốn ít nên quá trình làm nấm của chị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi trời bỗng nhiên sầm sập đổ mưa.

Công nhân công ty hái nấm sò trắng tại khu trồng nấm ban đầu tại Đốc Tín

Từ trước đến nay, trồng nấm để thoát nghèo thì có thể nhưng để vươn lên làm giàu là điều cực kỳ hiếm bởi với cung cách sản xuất thủ công ngoài trời, cây nấm rất dễ bị dịch bệnh, chậm phát triển, một vụ thu thì hai vụ thất. Chị Dương Thị Thu Huệ - một người đàn bà chân yếu, tay mềm đã mất quá nhiều đêm trăn trở suy tư xem làm thế nào để hạn chế thấp nhất rủi do khi trồng nấm. Từ đó, năm 2016, Chị đã quyết định cầm cố toàn bộ nhà cửa của gia đình ở ngoài Trung tâm Thành phố với số tiền đầu tư hơn 60 tỉ đồng để nhập toàn bộ công nghệ, dây chuyền, máy móc từ Nhật Bản rộng 3 ha để đưa mô hình sản xuất nấm công nghệ cao của thế giới về với Việt Nam. Chị đã thành công và là người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền công nghiệp nấm công nghệ cao cho đất Việt, tạo ra được những sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng. Hiện tại, Công ty đang sản xuất 2 loại nấm chính là nấm kim Châm và  nấm sò tím. Ban đầu đạt công suất 500kg/ ngày. Hoàn thành giai đoạn 1 sẽ đạt công suất 1,5 tấn/ ngày. Đến cuối năm 2017, đầu 2018, khi hoàn thành giai đoạn 2 sẽ công suất 3 tấn/ ngày.           

Một công đoạn sản xuất nấm của Công ty xuất khẩu Kinoko Thanh Cao

Có đến thăm trang trại trồng nấm của công ty mới thấy được nghị lực phi thường của chị trong quá trình đến với trang trại nấm như ngày hôm nay. Hầu hết mọi người khi đến với khu chế xuất nấm công nghệ cao của chị đều ngạc nhiên và không thể tin nổi:  Cả một “nhà máy” khổng lồ như thế nhưng chỉ cần không quá 5 người vận hành khu công nghiệp. Bởi toàn bộ dây chuyền đều tự động, nhiệt độ tự động, ánh sáng tự động chỉ tốn công nhất là ở mỗi khâu đóng gói sản phẩm. Cả Công ty chỉ có hơn 20 công nhân. Lương tháng bình quân đạt từ 3 – 10 triệu đồng/ người/ tháng. Tùy vào trình độ, năng lực mà mức lương của công nhân cao hay thấp.

  Gian làm nấm Kim Châm

Sản phẩm nấm Kim Châm

       Gian làm nấm sò tím

  Nấm sò tím

Quy trình trồng Nấm công nghệ cao của chị khá bài bản, khoa học, sạch sẽ, thoáng mát với công nghệ làm nấm sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các nước châu Âu. Cây nấm được làm ra sạch đến mức có thể ăn sống được nên chị Huệ tự tin khuyến cáo khách hàng rằng khi đem vào chế biến thì không cần rửa vì nhiều khi nguồn nước ở nhà không thể sạch bằng nguồn của nhà máy.

Công nhân đóng gói sản phẩm nấm Kim Châm của công ty xuất khẩu Kinoko Thanh Cao

Trao đổi với đoàn công tác của Thành phố, của huyện về mong muốn của mình, Chị Huệ cho biết: “ Sản phẩm Nấm của công ty đạt tiêu chuẩn Châu Âu, đơn đặt hàng thì nhiều. Sản phẩm nấm của công ty bán ngay tại thị trường miền Bắc cung còn chưa đủ cầu nên tôi mong muốn có nhiều người hợp tác với mình để có đủ tiềm lực mở rộng quy mô lớn sản xuất nấm với khối lượng lớn thì mới có thể cung cấp trong nước và xuất khẩu”.

Chị Dương Thị Thu Huệ đang giới thiệu về qui trình trồng nấm của công ty với đoàn công tác của Thành phố và của huyện Mỹ Đức

Với khát vọng ấy, chị Huệ mong muốn Thành phố cũng như huyện có chính sách để phát triển nghề trồng nấm công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế. Chị sẽ luôn sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ những ai có nhu cầu phát triển nghề trồng Nấm công nghệ cao tại Việt Nam để cùng chị làm giàu cho quê hương. Làm nấm vừa tận dụng nguồn nguyên liệu dư thừa để tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng góp phần làm sạch đẹp môi trường và làm làm giàu cho quê hương, đất nước Việt Nam. Tấm gương vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu của chị Dương Thị Thu Huệ thật đáng khâm phục, đáng được biểu dương khen thưởng.

Nguyễn Thị An