kinh tế - chính trị kinh tế - chính trị

Nghệ nhân Phan Thị Thuận: Niềm vui từ nỗ lực gìn giữ và phát triển nghề tằm tơ
Publish date 25/08/2016 | 14:08  | View count: 1248

Nghệ nhân Phan Thị Thuận sinh ra và lớn lên tại một làng quê giàu truyền thống Cách mạng (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội), nơi có nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển và xây dựng được thương hiệu từ nhiều đời nay. Tự hào cùng với quê hương, nghệ nhân Phan Thị Thuận miệt mài lao động sản xuất, gìn giữ và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Với những cố gắng không miệt mài của bà đã được Hội đồng cấp Nhà nước của Bộ Công thương xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” năm 2016.

Nỗ lực giữ nghề và phát triển nghề

Từ lúc còn nhỏ cho đến khi lớn lên, nghệ nhân Phan Thị Thuận luân thấm nhuần lời dạy của Bác về phát triển nông nghiệp, nông thôn: "Thực túc thì binh cường! Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất. Ruộng rãy là chiến trường. Cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ. Hậu phương thi đua với tiền phương". (Trích thư gửi nông dân thi đua canh tác vào tháng 2 năm 1951 của Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Sau này lớn lên, nghệ nhân Phan Thị Thuận cũng như nhiều người dân ở quê hương trở thành xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, người thợ trồng dâu nuôi tằm.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận, xã Phùng Xá - huyện Mỹ Đức - thành phố Hà Nội

Trong nhiều năm lao động vất vả xây dựng gia đình, xây dựng quê hương. Nhất là sau những năm mới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nghề trồng dâu nuôi tằm của quê hương Phùng Xá nói riêng và huyện Mỹ Đức nói chung đang có hướng mới phát triển. Nhiều hộ xã viên, nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất phát triển trồng dâu nuôi tằm, dệt vải mang lại nhiều sản phẩm có giá trị phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các nước xã hội chủ nghĩa. Sau này nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải bị mai một, thăng trầm, nhiều hộ nông dân bỏ nghề chuyển sang nghề khác vì nghề trồng dâu nuôi tằm không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhưng với lòng yêu nghề, muốn giữ nghề cho con cháu và gia đình. Nghệ nhân Phan Thị Thuận nghĩ đến câu thơ của Bác: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ách làm nên" và chính những câu nói ấy thôi thúc bà luôn tìm tòi, nghiên cứu để quyết tâm vượt lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng bằng mồ hôi, sương máu và sức lao động từ chính nghề trồng dâu nuôi tằm của quê hương Phùng Xá, quê hương Mỹ Đức.

Từ khi thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", bà luôn luôn xác định, học đi đôi với hành. Chỉ có ý tưởng mà không trực tiếp nghiên cứu và thực hành sản xuất, không làm ra được vật chất thì việc học tập cũng không mang lại kết quả tốt.

Liên hệ với nghề trồng dâu nuôi tằm, bà đã làm ra nhiều sản phẩm có giá trị, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó bà quan sát, nghiên cứu tính năng nhả tơ, đặc điểm riêng của con tằm và bà đã bỏ nhiều công sức để làm đi, làm lại, đúc rút kinh nghiệm lần trước tạo ra những sản phẩm lần sau tốt hơn và đến nay bà đã cho ra đời những sản phẩm mền bông con tằm tự dệt. Từ sản phẩm này bà đã cho ra đời nhiều tấm mền chăn, các loại gối chất lượng cao, giá thành hạ. Hay những sản phẩm mũ ấm, áo rét 100% chất lượng tơ tằm được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, diện tích trồng dâu nuôi tằm ngày nay càng bị thu hẹp lại. Ruộng đất nước tưới bị ô nhiễm nên gặp không ít những khó khăn. Cùng với sản phẩm mới của gia đình bà được thị trường ưa chuộng, có rất nhiều người ở các tỉnh khác đến học tập, đề nghị được hợp tác. Nghệ nhân Phan Thị Thuận và gia đình đã bỏ nhiều tiền của, công sức đi các tỉnh như Thái Bình, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh,… để hướng dẫn, dạy bảo cho hàng ngàn nông dân tham gia học tập cách trồng dâu nuôi tằm và đến nay nhiều nơi nông dân đã phát triển được nghề trồng dâu nuôi tằm và họ cũng đang tiếp tục hợp tác với gia đình bà.

Trước yêu cầu của thị trường về sản phẩm của gia đình ngày càng lớn về số lượng cũng như đòi hỏi chất lượng phải được nâng lên, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã thành lập Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (ngày 29/10/2010) để tuyển thêm nhiều công nhân và mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Từ đó Công ty của bà Phan Thị Thuận đã có nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Để mở rộng quy mô sản xuất, bản thân nghệ nhân Phan Thị Thuận đã phải trực tiếp đi vận động nông dân trong huyện, mở rộng diện tích trồng dâu, nuôi tằm. Đồng thơi hỗ trợ cho bà con nông dân trồng dâu, mỗi sào 200 ngàn đồng và hỗ trợ trứng giống để họ bớt đi khó khăn khi mới trồng dâu, nuôi tằm. Bà trực tiếp hướng dẫn cách nuôi tằm đạt năng xuất chất lượng tằm cao và tổ chức thu mua tằm cho nông dân với giá cao để kích thích họ hăng say sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình.

Thành Tích đạt được

Với cách làm đó, đến nay Công ty của bà đã làm ra nhiều sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước với nhiều chủng loại hàng hóa từ tơ tằm khác nhau. Thông qua việc tham gia triển lãm, tiếp thị sản phẩm, nghệ nhân Phan Thị Thuận cùng Công ty của bà đã được UBND thành phố Hà Nội cùng Liên hiệp các Hội Khoa học Việt Nam trao tặng Cúp "Thương hiệu vàng nhà nông Việt Nam", "Doanh nghiệp nổi tiếng chân chính" ngày 22/11/2013; Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cùng Tạp chí Gia đình & Trẻ em chứng nhận cho sản phẩm Lụa tơ tằm do tằm tự dệt đạt danh hiệu "Mẹ tin dùng, con lớn khôn". Thương hiệu vàng Thăng Long lần thứ nhất cho doanh nghiệp nổi tiếng lần thứ II năm 2013 cho sản phẩm lụa tơ tằm. Cúp vàng sản phẩm tiêu biểu 1000 năm thăng long - Hà Nội cho sản phẩm khăn lụa thổ cẩm. Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chứng nhận sản phẩm bông tơ tằm do tằm tự dệt đạt danh hiệu: "Sản phẩm vàng nông nghiệp Việt Nam". Hội Nông dân Việt Nam chứng nhận Sản phẩm bông tơ tằm do con tằm tự dệt đạt danh hiệu: Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2014". Ngày 25/5/2015, Giám đốc Sở Công thương thành phố Hà Nội tặng giấy khen công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của ngành Công thương giai đoạn 2010 - 2015. Ngày 6/6/2015, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng nghệ nhân Phan Thị Thuận vì đã có nhiều đóng góp trong phát triển nghề, làng nghề giai đoạn 2009 - 2014. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội còn tặng Bằng khen cho Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức đã có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2009 - 2014; Ngày 20/10/2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tặng giải sản phẩm Bông tơ tằm do con tằm tự dệt; Thưởng Công ty TNHH dâu tằm tơ Mỹ Đức đạt giải "Bông lúa vàng Việt Nam 2015". Ngày 16/12/2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tặng bằng khen cho Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức vì đã có thành tích xuất sắc, tham gia hội chợ làng nghề Việt Nam năm 2015. Ngày 10/11/2015, Hội Nông dân Việt Nam; Ban chỉ đạo cuộc thi sáng tạo hàng thuộc Nhà nông toàn quốc lần thứ VI năm 2015, chứng nhận và tặng Bằng khen giải nhất với giải pháp sáng tạo mền bông tơ tằm do người điều khiển con tằm tự dệt, tác giả Phan Thị Thuận. Đầu năm 2016, Nghệ nhân Phan Thi Thuận tiếp tục được Quốc Hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng Quốc huy, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016). Bên cạnh đó, Nghệ nhân Phan Thị Thuận cũng giành được nhiều giải thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành và UBND thành phố Hà Nội.

Để hướng tới sự phát triển bền vững của Công ty cũng như nghề trồng dâu nuôi tằm của địa phương, nghệ nhân Phan Thị Thuận mong các cấp, các ngành quan tâm, giúp đỡ để nghề tằm tơ huyện Mỹ Đức phát triển; Khôi phục nghệ dệt lụa, vùng trồng dâu nuôi tằm xã Phùng Xá và bãi bồi ven dòng sông Đáy sẽ trở thành cánh đồng dâu xanh tốt; Huyện Mỹ Đức có cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm lụa tằm tơ Mỹ Đức. Huyện Mỹ Đức sẽ là thủ đô tơ tằm, xứng danh là đất anh hùng.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận có lời khẩn cầu đề nghị lãnh đạo Thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội; Chi Cục đo lường chất lượng thành phố giúp Công ty để được cấp Bằng sáng chế độc quyền và chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm tằm tơ do con tằm tự dệt theo Quy định của Pháp luật hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi để công ty phát triển sản xuất. Chỉ đạo UBND huyện Mỹ Đức, UBND xã Phùng Xá giúp đỡ Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức được thuê đất dài hạn (50 năm) và vay vốn ngân hàng với lãi xuất ưu đãi; cấp kinh phí hỗ trợ theo tinh thần Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, để Công ty có thể mở rộng vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm; mở rộng nhà xưởng sản xuất ươm tơ, dệt lụa theo phương pháp truyền thống và phương pháp mới để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, cải thiện chất lượng cuộc sống người lao động và đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức đang từng ngày từng giờ nghiên cứu, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VIETGAP, GLOBALGAP.

Trong năm 2013, bà Phan Thị Thuận vinh dự được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội. Năm 2016, nghệ nhân Phan Thị Thuận vinh dự được xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú". Đó là kết quả của quá trình miệt mài lao động, nghiên cứu, sáng tạo, gìn giữ và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm huyện Mỹ Đức trong nhiều năm của nghệ nhân Phan Thị Thuận.

Văn Bình