HOẠT ĐỘNG HĐND HOẠT ĐỘNG HĐND

Mỹ Đức thu những “trái ngọt” từ nguồn vốn tín dụng chính sách
Publish date 22/05/2024 | 17:54  | View count: 422

Những năm qua, nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mỹ Đức (Thành phố Hà Nội) đã giúp cho hàng nghìn hộ dân trong huyện thu những “trái ngọt” ngay trên mảnh đất quê hương mình.Đây là thành quả của việc triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có việc làm và thu nhập ổn định.

Để giúp hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của chính phủ, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn; từng bước khẳng định tầm quan trọng của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, an sinh xã hội tại địa phương. Chính quyền các cấp đã tăng cường tuyên truyền phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư đến toàn thể đảng viên, cán bộ, viên chức và người lao động, đặc biệt là những cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến tín dụng chính sách xã hội nắm được tinh thần, nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mỹ Đức Tạ Đức Thức cho biết: “ Nhờ có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị đối với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW nên nguồn vốn tín dụng chính sách đã kịp thời hỗ trợ các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình. Các cấp ủy Đảng chính quyền tăng cường chỉ đạo Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH và các hội đoàn thể chính trị nhận ủy thác làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý thực hiện các chương trình vay vốn giảm nghèo và hoạt động của NHCSXH và coi tín dụng chính sách là một giải pháp hữu hiệu để giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã thu được những kết quả quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc nâng cao chất lượng phục vụ; đảm bảo hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ một cách nhanh nhất, kịp thời nhất”.

Giải ngân vốn vay tại điểm giao dịch xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội

Đến nay, 100% các xã, thị trấn trong huyện đều có điểm giao dịch và mọi công việc giải ngân được thực hiện ngay tại cơ sở tạo thuận lợi cho người dân  được vay vốn, giảm tối đa chi phí đi lại của người dân. 100% người nghèo, các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đến ngày 21/5/2024 tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 693 tỷ đồng, với gần 13.000 khách hàng dư nợ thông qua 354 tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng của thành phố”.

Cửa hàng bán thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi của chị Nguyễn Thị Hường (đứng bên trái) thôn Viêm Khê, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức

Điển hình như chị Nguyễn Thị Hường sinh năm 1985 ở thôn Viêm Khê, xã Hợp Tiến, từng thuộc diện hộ cận nghèo, mọi chi tiêu sinh hoạt gia đình do mình chị gánh vác. Chồng chị gặp biến cố tai nạn giao thông mất trí nhớ, có 2 bố mẹ chồng già và nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học. Nhờ sự giúp đỡ của Hội phụ nữ xã,  chị Hường được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm nên chị đã có thêm nguồn lực  để mở 1 cửa hàng nhỏ bán thuốc và thức ăn cho gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, kinh tế gia đình chị đã ổn định hơn.Chị Hường chia sẻ: “ Khi gia đình gặp hoạn nạn khó khăn lớn nhất của gia đình tôi là thiếu vốn nhưng được sự quan tâm của Hội hội phụ nữ và chính quyền địa phương tạo điều kiện cho tôi được tiếp cận nguồn tín dụng chính sách 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi đã mạnh dạn đầu tư mở cửa hàng bán thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.  Sau 6 tháng, mô hình kinh tế của gia đình tôi cũng đã mang lại hiệu quả, tạo việc làm cho 2 lao động  với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/ tháng. Hiện nay, kinh tế của gia đình tôi cũng đã khá giả hơn, chồng tôi cũng đã ổn định và khôi phục được sức khỏe không phải bo bíu, khó khăn chật vật như những năm trước. Chúng tôi rất mong tiếp tục được vay vốn với số tiền nhiều hơn để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Mô hình trồng rau bằng nhà lưới, nhà màng của CCB Nguyễn Hồng Sơn, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức

Hay như Anh Nguyễn Hồng Sơn – hội viên CCB xã Phúc Lâm cũng đã thu “ trái ngọt” nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Có vốn, anh Sơn đã mạnh dạn thuê đất, xây dựng nhà lưới, nhà màng với diện tích  2.100m2 để sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao an toàn và thuê 3.600m2 đất ngoài để phát triển mô hình  trồng hoa, trồng rau sạch phục vụ bà con nhân dân địa phương được sử dụng rau an toàn.Nhờ xây dựng nhà màng và đầu tư hệ thống nước lọc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng cho nên sản phẩm rau, hoa quả của gia đình anh được nhiều người biết đến, mỗi năm trừ chi phí sản xuất cũng cho thu lãi trên 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 2 lao động với mức thu nhập 5 – 6 triệu đồng/ tháng. Đây là một trong những mô hình tiêu biểu của Hội CCB huyện trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. 
Có thể nói, nguồn vốn chính sách đã thực sự mang lại hiệu quả, thúc đẩy người dân vươn lên làm kinh tế giỏi. Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách, thời gian tới,  Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mỹ Đức tiếp tục đổi mới và tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Thu An