Chi tiết tìm kiếm Chi tiết tìm kiếm

Nguồn vốn chính sách tiếp sức cho nông dân Hồng Sơn làm giàu
Publish date 28/11/2024 | 18:13

Nhiều năm nay, các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ luôn là người bạn đồng hành cùng nông dân xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức) trong phát triển kinh tế và là “cánh tay nối dài” của Đảng, đem các nguồn lực tài chính của Nhà nước tiếp sức cho nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Thời gian qua, Hội nông dân xã Hồng Sơn đã tích cực phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội ( NHCSXH) huyện Mỹ Đức triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều nông dân có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ và phát triển các mô hình kinh tế VAC, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng giúp nhiều hội viên nông dân vươn lên làm giàu và thoát nghèo bền vững.

Điển hình như hộ gia đình Chị Vương Thị Kiều Trang, thôn Đặng, xã Hồng Sơn được Hội Nông dân xã giúp đỡ, kết nối, hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện với số tiền 90 triệu đồng để cải tạo ao nuôi cá và vay 50 triệu đồng Quỹ hỗ trợ nông dân để cải tạo dự án VAC của gia đình. “Nhờ nguồn vốn này, tôi đã có thêm nguồn lực để cải tạo khu vườn trại của gia đình theo hướng an toàn, bền vững với tổng diện tích vườn trại là 3,6 ha. Hiện nay, mô hình trang trại của gia đình tôi đang nuôi khoảng 4000 con vịt siêu đẻ theo tiêu chuẩn Vietgaps và mô hình nuôi cá rô phi kết hợp nuôi cá chép, cá trắm cho doanh thu khoảng trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4 lao động trong gia đình với mức thu nhập 6 triệu đồng/ người/ tháng. Vì vậy, kinh tế của gia đình tôi cũng ổn định hơn rất nhiều và thực hiện trả gốc, lãi đúng hạn cho ngân hàng”. Chị Trang chia sẻ:

Ban thường vụ Hội nông dân xã Hồng Sơn đi kiểm tra sử dụng vốn vay tại hộ gia đình bà Vương Thị Kiều Trang – thôn Đặng, xã Hồng Sơn

Cũng như chị Trang, năm 2022, Chị Vũ Thị Ngư, thôn Vĩnh An, xã Hồng Sơn được vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH với số tiền 80 triệu đồng để cải tạo ao nuôi cá và Quỹ hỗ trợ nông dân 50 triệu đồng để cải tạo vườn trại V - A – C. Với diện tích mặt bằng trang trại là 2,8ha, chuyên muôi các loại cá rô phi, cá trắm, cá chép. 6 tháng gia đình chị cho thu một lứa cá với sản lượng 25 tấn/ lứa. Vốn đầu tư khoảng 1,6 – 1,7 tỷ đồng/ năm. Hiện nay, mô hình VAC của gia đình chị Ngự cho thu nhập ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập đạt 6 – 7 triệu đồng/ người/ năm.  “Vốn vay NHCSXH đã giúp cho tôi có cơ hội phát triển được mô hình VAC như thế này, dù vốn vay được rất  nhỏ nhưng cũng góp phần tạo thêm thu nhập cho bản thân, gia đình, tiếp sức cho chúng tôi bám đất, bám ruộng để sinh sống và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình”, Chị Vũ Thị Ngư chia sẻ: 

Ban thường vụ Hội nông dân xã Hồng Sơn đi thăm và kiểm tra sử dụng vốn vay tại hộ gia đình bà Vũ Thị Ngự  – thôn Vĩnh An, xã Hồng Sơn

Theo Chủ tịch Hội nông dân xã Hồng Sơn Lê Quang Liêu cho biết: Để nguồn vốn đến tận tay người dân, Ban thường vụ Hội nông dân xã đã chủ động phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mỹ Đức trong việc giải ngân các nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hội viên; đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách ưu đãi của nhà nước tới hội viên để hội viên nông dân được tiếp cận nguồn vốn chính sách ưu đãi của chính Phủ; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng các nguồn vốn tín dụng chính sách tại các tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như tại các hộ vay vốn. Tính đến hết tháng 10/2024, Hội nông dân xã Hồng Sơn hiện đang quản lý 7 tổ tiết kiệm và vay vốn với 05 chương trình tín dụng, giúp cho 279 hộ vay với tổng dư nợ là 17,5 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay trong năm 2024 là 8,6 tỷ đồng, đang giải quyết cho 106 lượt hội viên vay để có vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế. Cùng với hoạt động vay vốn, 100 % hội viên nông dân tham gia vay vốn thực hiện gửi tiết kiệm qua tổ TK&VV với mức ít nhất 100.000/hộ/tháng, không có nợ quá hạn phát sinh. Đời sống của hội viên nông dân trong xã ngày càng được nâng cao.

Đến nay, Hội nông dân xã có 46 mô hình kinh tế tiêu biểu trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Điển hình như: Mô hình sản xuất trứng vịt sạch theo quy chuẩn VietGap đảm bảo cung ứng 5000 quả/ngày của ông Hoàng Tiến Tuyên, thôn Vĩnh An, xã Hồng Sơn; Mô hình cấy lúa chất lượng cao theo quy chuẩn VietGap tại đơn vị thôn Đặng; mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGap thôn Đặng, thôn Bình Lạng và các mô hình VAC, nuôi cá, nuôi vịt, gà thả vườn tại thôn Vĩnh An; mô hình trồng và cải tạo vườn bưởi, kinh doanh phân bón, thức ăn gia súc tại thôn Trung; Mô hình kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vật liệu xây dựng thôn Thượng, các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp tại thôn Đặng, mô hình dệt và mô hình mây giang đan tại thôn Thanh Lợi, thôn Vĩnh An và nhiều mô hình kinh tế khác… mạng lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân.  Trong năm 2024, toàn xã có 775 hộ hội viên nông dân đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Kết quả bình xét đã có 562 hộ đạt hộ SXKD giỏi các cấp. Đời sống của hội viên nông dân ngày càng được nâng lên, đạt bình quân thu nhập 78 triệu đồng/ người/ năm. Số hộ giàu là 458/ 852, chiếm 53,75 %; Hộ hội viên trung bình khá và khá là 393/ 852 hội viên, chiếm 46,12 %; không có hội viên nghèo, số hộ cận nghèo có 1 hộ, chiếm 0,11%.​

Từ những kết quả đạt được cho thấy, tín dụng chính sách đã và đang phát huy vai trò là một “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Chính phủ và  là “bệ đỡ”, tiếp sức cho nông dân làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Thu An