Chế độ chính sách mới Chế độ chính sách mới

Huyện Mỹ Đức (Hà Nội): Tìm hướng đi đúng trong tiềm năng sẵn có
Publish date 11/03/2011 | 00:00  | View count: 1855

Trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ và nhân dân Mỹ Đức tích cực đổi mới nhận thức, tư duy để phát triển kinh tế - xã hội nên đời sống ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Huyện Mỹ Đức vốn là huyện thuần nông, nằm ở tây nam thành phố Hà Nội, cách trung tâm 60km, được thiên nhiên ưu đãi với cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú gồm núi cao, rừng thẳm, suối dài được xếp đặt một cách tài tình giữa vùng đồng bằng ruộng lúa xanh tươi của danh lam thắng cảnh Hương Sơn, hoặc đá và nước của hồ Quan Sơn đẹp như một vùng "Hạ Long" trên cạn. Diện tích tự nhiên của huyện gần 23.000 ha, với 21 xã và 1 thị trấn. Dân số gần 183.000 người. Kể từ tháng 8-2008, huyện Mỹ Đức chính thức sáp nhập vào Hà Nội, trở thành một trong 29 quận, huyện của Thủ đô.

Trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ và nhân dân Mỹ Đức tích cực đổi mới nhận thức, tư duy để phát triển kinh tế - xã hội nên đời sống ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hậu cho biết: Định hướng phát triển của huyện Mỹ Đức là phát huy tinh thần tự chủ, chống nguy cơ tụt hậu, từ những cơ sở kinh tế hiện có chuyển hướng nhanh theo những lợi thế và khai thác tiềm năng sẵn có, đổi mới công nghệ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chuyển dịch kinh tế phải theo hướng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp ổn định; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh với tốc độ nhanh và đưa du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn. Công nghiệp của huyện chưa có nhiều dự án lớn, song tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt, mây tre đan đã có những bước phát triển quan trọng. Vùng trồng dâu nuôi tằm của huyện được duy trì, mở rộng diện tích. Huyện đang đẩy mạnh tổ chức sản xuất các nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, nghề dệt, nghề thêu đồng bộ với mở rộng thêm nghề mới như mây tre đan. Hằng năm, huyện đều tổ chức mở các lớp khuyến nông, đào tạo nghề. Tỷ trọng công nghiệp dịch vụ ngày càng tăng: nông lâm thủy sản: 41,7% (giảm 1,8% so với 2008); công nghiệp - xây dựng cơ bản: 22,6% (tăng 2,5%); thương mại, dịch vụ: 35,7% (tăng 0,5%).

Để phát huy tiềm năng du lịch, những năm qua, Mỹ Đức đầu tư mạnh xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng, mở rộng đường giao thông kết hợp chặt chẽ với văn hóa và dịch vụ. Riêng với khu danh lam thắng cảnh Hương Sơn đã được đầu tư sửa chữa cải tạo, làm đường giao thông, bến xe, nạo vét suối Yến, đưa điện cao thế vào Thiên Trù, xây dựng tuyến cáp treo... Việc tổ chức lễ hội với các dịch vụ du lịch là nguồn thu quan trọng cho huyện. Năm 2009, tổng thu từ lễ hội đạt tới 30 tỷ đồng. Năm 2010, dự tính sẽ có 1,2 triệu lượt người hành hương tới thăm Chùa Hương.

Nhờ chọn đúng mục tiêu, xác định bước đi và cách làm phù hợp, chỉ đạo cụ thể, đồng bộ, bức tranh kinh tế của huyện đã có nhiều khởi sắc. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể: năm 2008 là 22,6%, đến nay chỉ còn 16,7%.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh có sẵn, Mỹ Đức đã xác định hướng phát triển trong thời gian tới; trong đó ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành sang sản xuất hàng hóa, nâng giá trị thu nhập trên một héc-ta canh tác; đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Để du lịch, dịch vụ thể hiện rõ vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đang có chính sách kêu gọi đầu tư để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch từ Hương Sơn và Quan Sơn. Những bước đi ban đầu ấy đều nhằm biến khát vọng thành hiện thực để món quà tặng vô giá mà thiên nhiên đã ưu đãi cho huyện ngày càng trở nên có ý nghĩa, mang lại hiệu quả cao cho cuộc sống người dân.

http://cuuchienbinh.com.vn