Chế độ chính sách mới Chế độ chính sách mới

Mỹ Đức tích cực xây dựng nông thôn mới
Ngày đăng 10/11/2015 | 23:22  | View count: 4631

Sau 2 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới", huyện Mỹ Đức đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Sau 2 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới", huyện Mỹ Đức đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Để nâng cao hơn nữa nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc xây dựng nông thôn đổi mới, trong năm 2013, huyện Mỹ Đức tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để tạo sự thống nhất trong hành động và sự đồng thuận trong xã hội.

Xã điểm Phùng Xá tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn

Nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thời gian qua, huyện Mỹ Đức đã tích cực chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn xây dựng chương trình thông tin tuyên truyền về công tác xây dựng NTM, xác định công tác thông tin tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nhờ có sự đôn đốc, chỉ đạo kịp thời, hiện 21 xã trong toàn huyện đã thành lập xong Ban chỉ đạo, Ban quản lý. Riêng xã Phùng Xá đã thành lập Ban giám sát cộng đồng, tiểu ban phục vụ xây dựng NTM ở các thôn và HTX nông nghiệp để tuyên truyền, vận động nhân dân giám sát quá trình thực hiện đề án. Đồng thời, huyện đã chỉ đạo mở 160 lớp học cho đội ngũ, cán bộ đảng viên với 46.565 lượt người tham dự; mở 2 hội nghị báo cáo cho 268 báo cáo viên cơ sở, phát hành 1.500 cuốn tài liệu tìm hiểu về xây dựng NTM do Ban Tuyên giáo Thành ủy biên soạn; phát hành 600 chương trình với 1839 tin bài trên hệ thống Đài truyền thanh, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội phát 21 phóng sự về phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Bên cạnh đó, Thường trực Ban chỉ đạo huyện còn phối hợp với Ban chỉ đạo Thành phố mở 3 lớp tập huấn về xây dựng NTM cho 469 người là thành viên tổ công tác huyện, Ban chỉ đạo xã, Bí thư chi bộ, trưởng thôn. Riêng xã điểm Phùng Xá đã mở 1 lớp tập huấn, thu hút 50 học viên tham dự.
Tính đến hết tháng 6 năm 2013, cả 21/21 xã trong huyện đã phê duyệt xong quy hoạch, 100% số xã đã được phê duyệt Đề án. Hiện trên địa bàn huyện có 2/21 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí, 3/21 xã đạt và cơ bản đạt 10 đến 13 tiêu chí. Để phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân trong việc chung sức xây dựng NTM, trong năm 2013, huyện Mỹ Đức sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, vận động bà con tích cực tham gia chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, tăng cường vận động nhân dân tham gia đóng góp nhân lực, vật lực để tạo nguồn lực cho xây dựng NTM, trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm 2012.
Về tình hình xây dựng NTM ở xã Phùng Xá, theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Kiên, sau 1 năm triển khai, đến tháng 5/2012, xã đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, 3 tiêu chí gần đạt là: Thủy lợi, chợ nông thôn, trường học; tiêu chí chưa đạt: Giao thông, cơ sở văn hóa, môi trường. Về tiêu chí cơ cấu lao động, hiện nay, xã có 7850 người tham gia sản xuất các ngành nghề thủ công, chủ yếu là dệt len. Ngành tiểu thủ công nghiệp đã tạo thu nhập từ 9 triệu đồng/người/năm 2010 lên 17,9 triệu đồng/người/năm 2011. Xã có đến 80 hộ gia đình làm nghề thủ công địa phương là dệt các loại khăn (khăn mặt, khăn tắm…). Trong công tác dồn điền đổi thửa Phùng Xá bắt đầu triển khai dồn đổi ruộng đất từ cuối năm 2012 với gần 5.000 thửa manh mún, cao thấp. Đến nay, toàn xã đã cơ bản dồn đổi xong 260ha, đạt 100% kế hoạch giao và số thửa giảm xuống còn 2.571 thửa. Khi ruộng đất đã liền mảnh và bằng phẳng, người dân trong xã đầu tư 2 máy kéo lớn, 10 máy kéo nhỏ để làm đất, mua 4 máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất.
Cùng với Phùng Xá, nhiều xã như Mỹ Thành, Hùng Sơn, An Phú, Hợp Thanh… đã hoàn thành dồn điền đổi thửa đạt 100% diện tích huyện giao và đây là một trong những thành công lớn của huyện kể từ khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới. Theo kế hoạch, toàn huyện sẽ dồn đổi hơn 7.500ha. Hiện, các xã đã triển khai xong và giao ruộng cho dân được hơn 6.100ha. Sau dồn điền đổi thửa, Mỹ Đức đã quy hoạch vùng lúa lai, lúa chất lượng cao 4.500ha, chiếm tới 58% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, huyện cũng có 142ha sản xuất rau an toàn và khoảng 100ha trồng nhãn chín muộn, 60ha trồng bưởi Diễn, 762ha nuôi trồng thủy sản tập trung. Vụ xuân 2013, huyện đã áp dụng công cụ gieo thẳng cùng với phương pháp thâm canh cải tiến (SRI) khoảng 340ha. Bên cạnh đó, 100% công đoạn làm đất, thu hoạch được làm bằng máy... Nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đã giải phóng gánh nặng đôi vai cho người dân, đặc biệt là năng suất lúa đã tăng từ 62 tạ lên 70 tạ/ha.
Sau thành công của công tác dồn điền đổi thửa, Mỹ Đức đang tập trung vào hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, nhiều tuyến giao thông nông thôn đã hoàn thành, xã nào cũng có hệ thống thu gom rác thải tập trung. Toàn huyện có 21 xã hoàn thành quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới. 5/21 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 đến 19 tiêu chí; 15 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 13 tiêu chí, ngoài ra còn có xã miền núi An Phú đạt và cơ bản đạt dưới 10 tiêu chí. Bên cạnh đó, toàn huyện đã huy động được 142,5 tỷ đồng, trong đó, từ nhân dân đóng góp trên 62 tỷ đồng, có 2,3 tỷ đồng đóng góp vào sản xuất lúa chất lượng cao; 1,061 tỷ đồng xây dựng các công trình khác, 1,65 tỷ đồng tu bổ đình chùa; các hộ dân hiến 660m2 đất ở. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ từ việc hiến đất ở để làm dự án kè chống sạt lở bờ hữu Sông Đáy và hơn 3000 m2 đất nông nghiệp để làm giao thông nội đồng, tổ chức chuyển đổi 200 ha trồng lúa chất lượng cao….
Tuy nhiên, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện cũng đang đứng trước một số khó khăn. Toàn huyện mới có 1,5% dân số (ở thôn Yến Vĩ, xã Hương Sơn) được sử dụng nước sạch, số còn lại chủ yếu dùng nước hợp vệ sinh. Đối với việc đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất, mặc dù UBND thành phố đã có cơ chế hỗ trợ nhưng chưa hộ nông dân nào tiếp cận được nguồn vốn này, bởi rất nhiều rào cản thủ tục. Bên cạnh đó, một số tiêu chí quan trọng như y tế, thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn thấp. Hơn nữa, Mỹ Đức trước đây vốn thuộc vùng phân lũ, rất ít được đầu tư hạ tầng kỹ thuật nên để đạt chuẩn nông thôn mới cần nguồn lực đầu tư lớn và sự quan tâm tháo gỡ của thành phố…
Để đẩy nhanh tiến độ về đích xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 9 xã vào năm 2015 theo đúng kế hoạch Nghị quyết của HĐND thành phố giao, huyện cũng đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã tập trung phát triển sản xuất, xây dựng và hình thành các hình thức hợp tác trong sản xuất, phát triển thị trường để nâng cao giá trị thu nhập cho người dân; đồng thời huy động tốt các nguồn lực, đặc biệt là huy động các nội lực trong nhân dân đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án phục vụ dân sinh; rà soát lại các tiêu chí đã hoàn thành để xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các tiêu chí còn lại, nhất là các tiêu chí phục vụ phát triển sản xuất, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…

Theo Thanh Tình - HNP